Theo thống kê của Tổng Cục dân số, Việt Nam chạm đỉnh dân số vàng và bước vào thời kỳ già hóa dân số với tốc độ nhanh. Năm 2011, khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa, số người trên 60 tuổi chiếm 9,9%. Năm 2018, con số này tăng lên thành 11,95%.
Lão hóa là quy luật tự nhiên trong cuộc đời mỗi con người. Nếu người cao tuổi có sức khỏe tốt và có khả năng sống độc lập thì sẽ không có bất kỳ thay đổi nào đáng lo ngại. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khi đến tuổi xế chiều, những thay đổi về mặt tinh thần, thể chất của người cao tuổi dễ làm giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Họ dễ rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý như cảm thấy cô đơn, hoài cổ, lo âu, hay bi quan, nóng nảy… Trầm cảm, buồn chán càng khiến họ thiếu nghị lực và niềm tin để chống chọi với những vấn đề của tuổi già. Đặc biệt, sức khỏe người cao tuổi Việt Nam còn nhiều hạn chế. Tuổi thọ trung bình cao (73 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh chỉ khoảng 64 tuổi. 96% người mang gánh nặng bệnh tật kép, chủ yếu là bệnh mạn tính không lây truyền. Trung bình một người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh. Hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của người già.
Ảnh minh họa/nguồn ảnh:khoahocdoisong.vn
Bởi lẽ đó, đối với người cao tuổi yếu tố quan trọng nhất để có thể sống hạnh phúc chính là có gia đình ở bên quan tâm, chăm sóc về cả thể chất, tinh thần và cảm xúc. Khi người cao tuổi sống trong gia đình như vậy (kể cả ở cùng nhà hay ở riêng nhà), điều này sẽ giúp cho người cao tuổi có được sự hỗ trợ trong cuộc sống hàng ngày tốt nhất, cũng như gia đình con cái sẽ có thêm những sự hỗ trợ từ người cao tuổi như: chăm sóc, trông nom con cháu; những lời khuyên bổ ích về kinh nghiệm cuộc sống;… Theo Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe Trung ương, Bộ Y tế, bí kíp 16 chữ có thể làm giảm 55% bệnh đái tháo đường, 1/3 bệnh ung thư và kéo dài tuổi thọ bình quân 10 năm trở lên của người cao tuổi, ấy là: Thức ăn phù hợp; Vận động vừa sức; Bỏ thuốc (lá) bớt rượu; Cân bằng tâm trạng. Do đó, mỗi gia đình cần đảm bảo đáp ứng đầy đủ các nhu cầu sống thiết yếu cho người cao tuổi, đồng thời, tạo cho họ không gian sống thoải mái với tinh thần lạc quan và một cơ thể luôn khỏe mạnh.