Chúng ta đang sống trong một xã hội hiện đại, nơi nhịp sống luôn hối hả và căng thẳng, nơi bố mẹ và con cái gặp rất nhiều áp lực. Nhà vốn là tổ ấm, là nơi chúng ta trở về sau một ngày dài lao động và học tập mệt mỏi. Thế nhưng, không phải lúc nào nhà cũng là nơi yên bình đến như vậy. Những áp lực trong cuộc sống và công việc đã vô tình bị truyền từ bố mẹ sang các con, khiến chúng phải chịu đựng trong chính ngôi nhà của mình.
Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp phụ huynh vì căng thẳng, áp lực bên ngoài đã có những lời nói, hành động làm tổn thương đến những đứa con của mình.
Gần đây nhất, ngày 30/11/2020, Cơ quan CSĐT Công an quận 12, TP.HCM ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt để tạm giam đối với Trần Thị D (26 tuổi, quê Thừa Thiên-Huế) do có hành vi bạo hành con ruột đến chấn thương sọ não. Chị D có 5 người con và 3 người chồng. Một con lớn đang ở với bà nội, hai bé 5 tuổi và 6 tuổi ở với bà ngoại. Hai bé còn lại sống với mẹ và đi bán vé số hàng ngày. Theo mẹ của chị D, do sinh nhiều con, chồng không phụ giúp, công việc bán vé số lang thang nay đây mai đó, không có tiền bạc vất vả nên D thường cáu giận, bực mình, nóng nảy với con cái. Ngày 17/11, bé C (con gái chị D, 3 tuổi rưỡi) sau khi đi vệ sinh thì chạy đi chơi nhưng do cháu để phân dính dép nên D đã dùng tay tát thẳng vào mặt con. Do bị tát, bé C té xuống nền nhà và bị mẹ tiếp tục nắm tóc, bạo hành dẫn đến chấn thương sọ não, xuất huyết não, máu tụ dưới màng cứng, phù não, có nứt sọ, dập lách.
Từ chuyện cơm áo gạo tiền, áp lực trong công việc và nhiều vấn đề phát sinh làm cho tâm lý của con người ít nhiều bị ảnh hưởng. Chuyện cha mẹ không quản lý cảm xúc và không biết cách tiết chế hành vi của mình rất dễ dẫn đến bạo hành. Bạo hành từ lời nói đến hành động được lặp đi lặp lại như một thói quen. Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, chưa đủ sức lực và kỹ năng để ứng phó trước những tình huống bạo hành gia đình, vì vậy, các em rất dễ trở thành đối tượng để người lớn trút những cơn giận, căng thẳng, áp lực.
Bạo hành thì dù bằng hình thức thông qua lời nói hay hành động đều để lại những ảnh hưởng xấu cho các em cả về sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần. Trước vấn nạn này đòi hỏi cha mẹ phải điều chỉnh cảm xúc của chính mình một cách hợp lý nhất. Cha mẹ nên dành thời gian chăm sóc, dạy dỗ, làm bạn đồng hành cùng con bởi suy cho cùng, con cái là đối tượng cần được yêu thương.