Mỗi người chúng ta dù là trẻ em hay người lớn đều mong muốn mình được yêu mến, có chỗ đứng trong lòng người thân của mình. Là cha mẹ, ai cũng thương yêu và cố gắng cư xử công bằng với con mình, đặc biệt không phân biệt đối xử giữa con trai và con gái. Truyền thống của người Châu Á trong đó có Việt Nam có xu hướng ưu tiên cho nam giới, cho dù nhận thức của xã hội đã thay đổi nhiều và pháp luật về bình đẳng giới đã được ban hành. Nhưng phụ nữ, trẻ em gái vẫn là đối tượng bị đối xử bất bình đẳng ngay trong gia đình. Ngay từ khi còn là những mầm sống, có những gia đình và người làm cha mẹ đã có khuynh hướng muốn sinh con trai và tìm những biện pháp để đạt được việc này. Điều đó đã dẫn đến xu hướng mất cân bằng giới tính khi sinh, trẻ em nam nhiều hơn trẻ em nữ. Đến khi trưởng thành, đặc biệt là khi có gia đình, người con gái đi lấy chồng trở nên ít có tiếng nói trong gia đình, cha mẹ và còn phải chịu sự bất bình đẳng trong phân chia tài sản, hưởng quyền thừa kế… Những cản trở, phân biệt với phụ nữ và trẻ em gái ngay trong gia đình, từ phía chính cha mẹ sẽ khiến xu hướng bất bình đẳng giới trong xã hội gia tăng. Do vậy, cha mẹ ngay từ trong suy nghĩ cần tránh việc phân biệt đối xử với con cái, đặc biệt là phân biệt đối xử giữa con trai và con gái để tránh những mâu thuẫn trong gia đình.
Cùng với sự thay đổi về nhận thức, lối sống, cách ứng xử, mô hình gia đình có những người cha/mẹ tái hôn cũng không còn xa lạ. Người con trong những gia đình sẽ phải làm quen với những người không cùng chung huyết thống, còn cặp vợ chồng sẽ có thêm những đứa con.
Nhiều gia đình còn cùng tồn tại con chung và con riêng và việc không phân biệt đối xử giữa con riêng và con đẻ không đơn giản. Người cha, người mẹ khi ấy phải thực sự có tấm lòng bao dung, rộng lượng và một trái tim nhiều tình yêu và chấp nhận hy sinh để tiếp nhận thêm những người con vào cuộc sống của mình.