Hiện nay, có rất nhiều tổ chức cùng tham gia vào quá trình giáo dục trẻ em như trường học, cộng đồng, xã hội nhưng gia đình vẫn giữ vai trò quyết định đối với việc giáo dục, phát triển trí thông minh cũng như cảm xúc, kỹ năng của trẻ em.
Bên cạnh giáo dục kỹ năng sống, cha mẹ cung cấp và tạo điều kiện để trẻ em tiếp cận với tri thức khoa học, xã hội qua việc học tập tại trường và các phương tiện khác. Gia đình là cái nôi ươm trồng và nuôi dưỡng trí tuệ, tình cảm và nhân cách cho trẻ em. Sự giáo dục của cha mẹ được thể hiện qua từng giai đoạn phát triển của trẻ. Khi mới lọt lòng, cha mẹ giáo dục cảm xúc thông qua những cử chỉ âu yếm, yêu thương, luôn ở bên cạnh, gần gũi, gắn bó với con. Khi con lớn hơn, tập đi, tập nói, trẻ em đã bắt đầu thu nhận những tri thức thông qua hành vi quan sát và bắt chước người lớn. Cha mẹ dạy trẻ em qua những bài hát ru, câu chuyện, trò chơi cho tới việc cùng học, cùng quan sát cuộc sống qua những chuyến du lịch, thăm thú. Đến tuổi đi học, cha mẹ cùng giáo viên giáo dục tri thức khoa học, xã hội, văn hóa và kỹ năng sống từ những điều nhỏ nhặt nhất như giữ gìn vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, cách học, cách chơi cho tới trau dồi những kiến thức về đời sống xã hội để trẻ em trở thành người có ích. Qua quá trình quan sát, gần gũi bên con, cha mẹ tập cho con những tính cách tốt, loại bỏ thói hư tật xấu, định hướng con chọn bạn và bày tỏ những cảm xúc, cách ứng xử với mọi hiện tượng, sự vật xung quanh. Thông qua quá trình tương tác, quan sát cha mẹ, trẻ em học cách trở thành người trưởng thành, nhận biết về những vai trò xã hội khác nhau của một cá nhân như làm vợ/chồng, làm cha/mẹ, làm một công dân tốt, một người lao động giỏi…
Bằng việc đầu tư nguồn tài chính và thời gian, kiến thức trong việc chọn trường, lớp, định hướng học tập, cha mẹ tạo mọi điều kiện cho trẻ được học tập tốt nhất.
Trẻ em là thế giới của ngày mai nhưng tương lai của trẻ phần lớn lại phụ thuộc vào sự giáo dục, nuôi dưỡng, chăm sóc của gia đình. Chăm sóc phải có phương pháp đúng thì mới không làm hại đến trẻ. Chẳng hạn, bắt trẻ học nhiều quá thì trẻ sẽ không tiếp thu kịp bài vở và dần dần sẽ trở nên chậm tiến, học kém; muốn trẻ đạt được điểm cao mà người lớn làm thay cả bài cho trẻ thì trẻ sẽ trở nên lười học, lười suy nghĩ…
Trẻ càng nhỏ thì sự chi phối về tình cảm của cha mẹ càng lớn. Đối với trẻ ở lứa tuổi mầm non, ảnh hưởng của cha mẹ, ảnh hưởng của đời sống gia đình chiếm ưu thế tuyệt đối, vì nếp sống, nếp suy nghĩ của trẻ trong giai đoạn này chưa cố định, vẫn đang trong giai đoạn hình thành và phát triển. Giáo dục đạo đức cho con cần chú trọng giáo dục tình yêu thương, sự chăm chỉ, biết nghe lời và lễ phép với người trên, nhường nhịn em nhỏ, biết tôn trọng ý kiến của mọi người… Giáo dục đạo đức cho trẻ còn là giáo dục ý thức như ăn ở sạch sẽ, biết sắp xếp các đồ dùng học tập, sinh hoạt ngăn nắp, biết tôn trọng của công, tự mình lựa những giá trị tinh thần cho đời mình, biết cái gì hay, cái gì đẹp để thực hiện, tránh sự độc ác, thấp hèn…
Phát triển trí tuệ, bồi dưỡng năng lực trẻ là nhiệm vụ quan trọng của giáo dục. Trí lực là hạt nhân, linh hồn của năng lực do 5 nhân tố cơ bản tạo nên như: sức tập trung chú ý, năng lực quan sát, trí nhớ, trí tưởng tượng và tư duy. Trí lực ảnh hưởng rất lớn đến thành tích học tập của mỗi cá nhân. Cha mẹ cần nắm được quy luật phát triển tâm lí của trẻ để nuôi dưỡng và phát triển trí lực của con theo phương pháp phù hợp với từng độ tuổi. Cha mẹ cần có tổ chức, sắp xếp cho con có thời gian và không gian học tập ở nhà thoải mái, ổn định; giúp con tạo được hứng thú học tập, thói quen tự lập trong khi làm bài tập để phát huy tính sáng tạo ở trẻ. Ngoài ra cũng nên cho trẻ tham gia các trò chơi kích thích phát triển khả năng phán đoán, sáng tạo để giúp trẻ học tập tốt hơn.
Muốn thành công trong giáo dục con, cha mẹ cần phải nỗ lực kiên trì giúp con phát triển lành mạnh, toàn diện. Cha mẹ cần biết những mặt mạnh, mặt yếu của con để bồi dưỡng và dẫn dắt con phát huy hơn nữa khả năng của mình. Thật ra, những gì trẻ có và đạt được trong hiện tại chưa kết luận được tương lai của chúng. Cha mẹ nên giúp trẻ cố gắng phấn đấu, có niềm tin vào bản thân để nỗ lực vượt qua mọi thử thách, mới mong thành công và có một tương lai tươi đẹp.