Đối với con cái đặc biệt là khi con chưa thành niên, chưa trưởng thành hoặc gặp những khiếm khuyết về thể chất, trí tuệ, cha mẹ là đối tượng đầu tiên cho quyền và nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho con.
Khi con cái còn nhỏ, mọi nhu cầu sống cơ bản như ăn, ở, mặc, chăm sóc sức khỏe … đều phụ thuộc vào cha mẹ và dù có nhiều thành viên khác có thể cùng chăm sóc nhưng cha mẹ có quyền quyết định việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, trừ trường hợp luật pháp quy định như khi cha mẹ đối xử tàn nhẫn, lạm dụng hoặc không có khả năng nuôi dạy trẻ. Do vậy, với trẻ em, cha mẹ là không thể tách rời. Đôi khi có những gia đình, ông bà vì quá yêu quý con cháu nên giành việc chăm sóc, nuôi dưỡng cháu theo cách của mình hoặc có những người vì xao nhãng bổn phận, trách nhiệm mà không quan tâm, chăm sóc con cái. Đây đều là những biểu hiện vi phạm quyền và nghĩa vụ này của cha mẹ.
Đối với những đối tượng như người đã thành viên nhưng vì những lý do như bệnh tật mà không thể nhận thức hay làm chủ hành vi của mình hoặc bị khuyết tật, tai nạn mà không có khả năng lao động hoặc không có tài sản tự nuôi mình thì cha mẹ là đối tượng thực hiện việc trông nom, nuôi dưỡng, giám hộ.
Sinh con và nuôi con khôn lớn, người làm cha mẹ mong muốn con cái trưởng thành, tự lập, tự gây dựng cuộc sống và đến lúc ấy, trách nhiệm của cha mẹ coi như đã hoàn thành và có thể nghỉ ngơi. Tuy nhiên, có những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khi người con không thể tự chăm sóc cho bản thân thì cha mẹ dù có già cả đến mấy vẫn mang nặng trách nhiệm với con. Gánh nặng ấy không phải dễ dàng, nhất là khi cha mẹ già đi, thu nhập giảm sút vì khả năng lao động không còn. Tuy nhiên vì tình yêu thương, vì trách nhiệm, cha mẹ vẫn bao bọc, chăm sóc con trong khả năng của mình. Đó cũng chính là sự thiêng liêng của tình yêu vô điều kiện giữa cha mẹ và con cái.