Về mặt cấu trúc, thiết chế gia đình cũng đang có sự thay đổi lớn. Quyền cá nhân (thành viên) được coi trọng hơn, được thừa nhận bởi luật pháp, trong khi sự gắn kết, quy tắc, truyền thống…. trong thiết chế gia đình truyền thống đang có xu hướng lỏng lẻo, phai nhạt dần. Đây là sự thay đổi tất yếu của một gia đình nằm trong thiết chế xã hội nông nghiệp đang tiến dần lên văn minh công nghiệp, đang dịch chuyển môi trường sống từ nông thôn lên thành thị trong tiến trình đô thị hóa.
Lao động sản xuất nông nghiệp truyền thống đòi hỏi sự quần cư, chung sức, trong đó vai trò của từng thành viên trong gia đình dễ dàng hoán đổi nhau, bổ sung nhau. Phân công lao động mang tính giản đơn, dễ thay thế (kiểu: “bồng em thì thôi xay lúa”). Vì thế, quan hệ tương hỗ và thay thế trong gia đình có thể tồn tại lâu dài, ít thay đổi, lặp lại qua nhiều thế hệ, hình thành nên khung chuẩn mực về quy tắc đạo đức, ứng xử một cách bền vững. Trong thời đại công nghiệp, lao động cá nhân mang tính chuyên môn biệt lập, không thể thay thế, dẫn đến vị trí và vai trò của các thành viên cũng độc lập. Các quy tắc truyền thống trong quan hệ ứng xử ngày càng trở nên không phù hợp và phải thay đổi, nhường chỗ cho vai trò cá nhân ngày một độc lập hơn, dẫn đến sự phân rã hệ thống quy tắc, chuẩn mực truyền thống.
Có một sự đảo chiều quan trọng. Trong xã hội truyền thống, với sản xuất nông nghiệp và liên quan đóng vai trò chủ đạo, giáo dục tri thức, kinh nghiệm sống được thực hiện theo phương thức kế thừa, trong môi trường phi tương tác. Vai trò cá nhân không chiếm vị thế quyết định. Trong xã hội hiện đại, quyền cá nhân cao, đời sống dân chủ, song quan hệ giáo dục, tác động được tiến hành có yếu tố qua lại, tương tác cao, dẫn đến sự thay đổi cơ bản trong cấu trúc gia đình, từ cấu trúc hệ thống, định khung sang cấu trúc dân, với sự quyết định thuộc về từng cá nhân thay vì thuộc về người đứng đầu, người bảo trợ, do tính chất công việc quy định.
Không nắm vững và không thuận theo, không dung hòa được hai quan hệ xã hội cơ bản này, giữ nguyên hình thái gia đình truyền thống thì không phát triển tích cực được, đương nhiên tụt hậu và không hạnh phúc. Cách mạng công nghiệp 4.0 đồng thời cũng tạo nên một cuộc cách mạng cấu trúc gia đình lớn. Một gia đình hạnh phúc, theo tiêu chí hiện nay là duy được giá trị truyền thống, phát huy được vị trí và năng lực của cá nhân, dung hòa được các mối quan hệ theo nguyên tắc dân chủ có kiểm soát một cách bền vững, tích cực để phát triển và hội nhập. Làm được điều này đòi hỏi ý thức, nỗ lực và sự phát huy trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và của toàn xã hội.