Đến nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang xây dựng và nhân rộng được 131 câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”. Hầu hết Ban Chủ nhiệm các câu lạc bộ đều nhiệt tình, năng động, có tinh thần trách nhiệm trong triển khai tuyên truyền, thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; hỗ trợ, tư vấn và can thiệp kịp thời các vụ bạo lực gia đình và các vụ việc có dấu hiệu bạo lực gia đình ngay tại cơ sở.
Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” ấp Cạnh Đền I, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận là một trong số những câu lạc bộ (CLB) tích cực tham gia tuyên truyền, thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) trong thời gian qua. Mới đây, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật PCBLGĐ (2008 – 2018) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, chị Nguyễn Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm CLB “Gia đình phát triển bền vững” ấp Cạnh Đền I, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận cho biết: Ấp Cạnh Đền I có 234 hộ dân, trước đây, tình hình bạo lực gia đình trên địa bàn ấp còn xảy ra khá nhiều, nạn nhân bị bạo lực gia đình thường là phụ nữ, người già và trẻ em… Bạo lực gia đình đã trở thành nguyên nhân chủ yếu gây tổn thương nghiêm trọng về thể chất, tinh thần của các thành viên trong gia đình, tác động xấu đến đời sống cá nhân, gia đình và xã hội. Là địa bàn được ngành Văn hóa và Thể thao và Hội Liên hiệp Phụ nữ chọn triển khai thí điểm xây dựng mô hình CLB PCBLGĐ, năm 2011 CLB được thành lập với tên gọi ban đầu là CLB PCBLGĐ. Sau một thời gian đi vào hoạt động đổi tên thành CLB “Gia đình phát triển bền vững”. CLB bầu ra Ban Chủ nhiệm gồm 03 thành viên (Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm và Thư ký), lúc mới thành lập CLB có 20 thành viên gồm 10 cặp gia đình.
Cũng theo chị Thu Hằng, sau khi thành lập, Ban Chủ nhiệm CLB đã xây dựng quy chế, nhiệm vụ, cũng như mục đích hoạt động. Trong đó nhiệm vụ chính của CLB là tuyên truyền, tiến hành hòa giải, trợ giúp các gia đình giảm thiểu tình trạng bạo lực – một trong những vấn đề đang được xã hội rất quan tâm. Những ngày đầu mới thành lập, CLB gặp không ít khó khăn, trong đó việc người dân chưa hiểu rõ mục đích hoạt động của CLB là một trong những trở ngại lớn nhất. Nhưng nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền, các ban ngành, đoàn thể địa phương và việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động của Ban Chủ nhiệm CLB nên người dân đã hiểu và chủ động đăng ký tham gia sinh hoạt. Hàng tháng CLB tổ chức sinh hoạt để các thành viên có cơ hội trao đổi những kinh nghiệm trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, phòng, chống các tệ nạn xã hội. Đồng thời chia sẻ cách làm hay trong sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó qua trao đổi thông tin với các thành viên, Ban Chủ nhiệm CLB kịp thời nắm bắt tình hình các gia đình trong ấp có nguy cơ xảy ra bạo lực, từ đó có biện pháp theo dõi phòng ngừa, tư vấn, ngăn chặn kịp thời các vụ bạo lực gia đình có thể xảy ra.
Từ khi triển khai thực hiện mô hình CLB “Gia đình phát triển bền vững”, đến nay CLB hoạt động rất ổn định, tổ chức sinh hoạt tuyên truyền nội dung hỏi đáp về Luật PCBLGĐ, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, xây dựng gia đình văn hóa, vai trò của các hộ gia đình trong xây dựng nông thôn mới… đến thành viên CLB, hội viên phụ nữ trong ấp được 84 cuộc, có 1.680 lượt người tham dự. Với phương pháp đến trực tiếp các gia đình thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, có nguy cơ dẫn đến bạo lực gia đình, Ban Chủ nhiệm CLB khéo léo tiếp cận, tìm hiểu nguyên nhân và có những tác động tích cực giúp đối tượng nâng cao nhận thức, cách ứng xử, giải quyết mâu thuẫn gia đình. Bằng cách làm này, CLB đã đứng ra hòa giải thành công nhiều vụ bất hòa, giúp nhiều cặp vợ chồng trở về bên nhau sau những khi “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Bên cạnh đó, nhờ có những buổi sinh hoạt, giao lưu CLB mà nhiều hộ gia đình đã cởi bỏ được khúc mắc, hiểu lầm lâu năm, từ đó hàn gắn tình cảm xóm làng thân thiết.
Thông qua sinh hoạt CLB, nhận thức của các hội viên ngày được nâng cao, các hộ gia đình thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Luật Bình đẳng giới, Luật PCBLGĐ, Luật Hôn nhân và gia đình… Cũng từ khi CLB triển khai đi vào hoạt động, tình hình kinh tế, văn hóa – xã hội của ấp chuyển biến tích cực về mọi mặt; các giá trị trong đời sống gia đình được đề cao, thành viên trong gia đình sống hòa thuận, yêu thương nhau; tình hình an ninh trật tự ổn định, các gia đình thi đua nhau tăng gia sản xuất, nuôi dạy con tốt, tạo điều kiện để con cái được học đến nơi đến chốn. Từ hoạt động thực hiện mô hình CLB “Gia đình phát triển bền vững” đã góp phần đẩy mạnh việc thực hiện Luật PCBLGĐ, thu hút nhiều đối tượng tham gia, tạo điều kiện thuận lợi cho cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ PCBLGĐ ở địa phương.
Không chỉ quan tâm tới hoạt động hòa giải, tuyên truyền, CLB “Gia đình phát triển bền vững” còn tích cực giúp đỡ những thành viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện chăn nuôi sản xuất, phát triển kinh tế gia đình bằng nguồn vốn các thành viên tự đóng góp thông qua mô hình tiết kiệm 5.000 đồng/tháng/người, tổ nuôi heo đất, tổ hùn vốn xoay vòng. Đến nay CLB đã giúp được 58 lượt cặp vợ chồng với số tiền 47.700.000 đồng, thu hút thêm 10 thành viên tham gia.
Sau 8 năm đi vào hoạt động, CLB “Gia đình phát triển bền vững” ấp Cạnh Đền I đã góp phần cùng các cấp, các ngành, cơ quan, ban ngành, đoàn thể triển khai thực hiện có hiệu quả Luật PCBLGĐ. Tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn ấp giảm rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng lên, địa bàn ấp còn 09 hộ nghèo và 03 hộ cận nghèo.
Chị Thu Hằng bộc bạch thêm: Từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, hiệu quả CLB mang lại là khá rõ rệt, tuy nhiên CLB còn gặp khó khăn nhất định về chi phí sinh hoạt, mặt khác nội dung tài liệu triển khai tuyên truyền, sinh hoạt định kỳ chưa được phong phú. Theo chị, để xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày càng hiệu quả hơn, thời gian tới, CLB “Gia đình phát triển bền vững” ấp Cạnh Đền I nói riêng, các CLB khác nói chung rất cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể. Đồng thời, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức truyền thông, nâng cao chất lượng hoạt động của CLB để thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia, tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong nhận thức của cán bộ, hội viên và cộng đồng dân cư đối với công tác PCBLGĐ./.
Ngọc Khánh (nguồn: svhtt.kiengiang.gov.vn)