Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành văn bản số 268/BC-BCĐ về việc báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Các cơ quan thành viên BCĐ tỉnh thực hiện triển khai, ban hành các văn bản hướng dẫn công tác thông tin tuyên truyền về các chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống bạo lực gia đình; cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng chống bạo lực gia đình kết hợp với việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên báo chí, mạng internet, các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về việc tổ chức các hoạt động tuyên tuyền công tác gia đình trên địa bàn tỉnh nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11), Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020, Tháng hành động vì trẻ em, tổ chức triển khai thực hiện Luật trẻ em năm 2016 lồng ghép vào các nhiệm vụ, hoạt động chuyên môn của ngành. Tiếp tục phối hợp với UBND các huyện Hòa An, Trùng Khánh, Trà Lĩnh, Hà Quảng, Quảng Uyên, Nguyên Bình và thành phố Cao Bằng duy trì hoạt động mô hình: Mô hình Phòng, chống bạo lực gia đình; mô hình Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình tại các xã, phường: xã Hồng Việt (Hòa An); xã Lăng Hiếu và Quang Hán (Trùng Khánh); xã Ngọc Đào (Hà Quảng); xã Phúc Sen (Quảng Hòa); xã Minh Thanh (Nguyên Bình); phường Duyệt Trung và Đề Thám (thành phố Cao Bằng). Tiếp tục triển khai thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” năm 2020 tại xã Hoàng Tung, huyện Hòa An và xã Vĩnh Quang, thành phố Cao Bằng.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: Thực hiện có hiệu quả 02 mô hình “Địa chỉ tin cậy – Nhà tạm lánh” tại xã Thị Hoa, huyện Hạ Lang và Mô hình “Hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị ép kết hônvới người nước ngoài” tại xã Mỹ Hưng, huyện Quảng Hòa, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn. Bên cạnh đó, Sở tổ chức 09 cuộc truyền thông, nâng cao năng lực nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp; tuyên truyền Luật trẻ em năm 2016; Giới thiệu Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111; phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em, thực hiện “Chương trình Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 – 2020” trên địa bàn tỉnh; Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt về phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ em cho cha, mẹ, các thành viên gia đình, giáo viên, người chăm sóc trẻ, người trực tiếp làm việc với trẻ em trên địa bàn tỉnh… với trên 2.200 lượt người tham dự.
Việc triển khai Chỉ thị 08 đã được các cấp, các ngành, đoàn thể quan tâm triển khai, thực hiện có hiệu quả. Các hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức đổi mới và nội dung phong phú đa dạng đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức, làm thay đổi hành vi của chính quyền các cấp, ban ngành, đoàn thể góp phần tác động đến hành vi của cán bộ và các tầng lớp nhân dân. Các vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng được xử lý và kịp thời ngăn chặn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan thành viên BCĐ tỉnh; cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương, cơ sở chưa thực sự quan tâm đến công tác gia đình. Nhận thức của một số bộ phận nhân dân chưa cao, tâm lý “trọng nam khinh nữ”, hành vi bạo lực gia đình vẫn còn phổ biến, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác thông tin báo cáo chưa được đầy đủ, kịp thời.