Sự phát triển của xã hội đã cho thấy, gia đình đã có vị trí và vai trò mà còn cả tiềm năng to lớn trong việc giữ gìn và giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống cho những thế hệ kế tiếp nhau từ thời đại này tới thời đại khác. Do những hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử mà tiềm năng này có thể được phát huy mạnh mẽ hoặc bị hạn chế lại, nhưng dù thế nào chăng nữa thì thông qua sự tồn tại của gia đình mà ngọn lửa nhân đạo của các giá trị đó vẫn vượt qua được mọi giông bão của thời gian để chuyển tiếp đến các thế hệ hôm nay và mai sau.
Thông qua sự chuyển tiếp nói trên, các giá trị gia đình truyền thống được mài rũa, chắt lọc, đổi thay cho phù hợp với những điều kiện mới, thở hít trong bầu không khí của xã hội hiện đại và chảy mãi trong dòng sông bất tận của cuộc sống và lịch sử. Nhờ vậy, cái truyền thống đã tồn tại và sinh sôi nảy nở trong lòng xã hội hiện đại với tư cách là một sản phẩm của chính xã hội đó. Chỉ với tính chất như vậy nó mới thực sự tồn tại không phải như một thứ cổ vật chỉ để chiêm ngưỡng trong các viện bảo tàng mà là trực tiếp hoà vào mỗi mạch đập của cuộc sống gia đình và cộng đồng hiện đại, góp thêm sinh lực cho sự phát triển của cuộc sống đó.
Trong những năm gần đây, trước sự nảy sinh và lan rộng của các mặt tiêu cực trong quan hệ xã hội, cộng đồng và gia đình, dưới ảnh hưởng của mối quan hệ hàng hoá, lợi nhuận và xu hướng toàn cầu hoá, nhu cầu gìn giữ và giáo dục các giá trị truyền thống cho thế hệ trẻ kể từ những bước chập chững đầu tiên trong cuộc đời của chúng, đã được quan tâm và chú ý sâu sắc. Tuy nhiên, cho đến nay, việc thực hiện công tác gìn giữ và giáo dục các giá trị truyền thống cho thế hệ trẻ vẫn diễn ra trong một bối cảnh thiếu sự thống nhất chung về lý luận, phương pháp luận và một cơ chế vận hành có thể phối hợp được sức mạnh chung của toàn xã hội .
Thực tế cho thấy, cho đến nay, chúng ta chưa xây dựng được những chuẩn mực thống nhất cho việc lượng giá đúng đắn những mặt tích cực cũng như hạn chế của các giá trị văn hoá truyền thống trên cơ sở những đòi hỏi của nhu cầu thực tiễn. Điều đó, thường kéo theo những nhận thức và hành động của cộng đồng xã hội và gia đình về phía hai cực đối lập nhau. Ơ cực thứ nhất, nhóm những người muốn mở rộng cửa để tiếp thu những tinh hoa tiến bộ của nhân loại thì lại tỏ ra e ngại với những giá trị truyền thống, coi nó như là những di sản của quá khứ luôn cản trở mọi sự tiến bộ và phát triển. Đối với họ thì việc giáo dục những kiến thức văn hoá tiên tiến hiện đại cho trẻ em là điều đáng quan tâm hơn là dạy dỗ cho chúng những thứ “giáo lý cổ hủ” gắn liền với xã hội cũ.
Ở cực thứ hai, những người ủng hộ việc kế thừa những giá trị truyền thống thì lại muốn sử dụng những chuẩn mực và giá trị của quá khứ để ngăn chặn làn sóng văn hoá và kiến thức đang tràn đến từ bên ngoài, mà trong đó trên thực tế đã mang theo đầy những vàng thau, đen trắng lẫn lộn, theo họ thì không ít trường hợp đã dẫn đến tình trạng lợi thì ít mà hại thì nhiều. Vì lẽ đó mà cũng theo quan điểm của họ, phải giáo dục nền nếp gia phong trước rồi sau đó mới đến kiến thức văn hoá, phải “tiên học lễ hậu học văn”, học có khuôn có phép rồi mới đến học những thứ khác.
Với quan niệm có phần cực đoan về các giá trị truyền thống, bên cạnh việc đề cao những giá trị tốt đẹp của dân tộc, ở nhiều nơi, nhiều lúc, chúng ta lại vô tình hay hữu ý làm hồi sinh cả những hủ tục lạc hậu gắn liền với quá khứ, kể cả những cái mà nhân dân ta đã tốn bao sức lực, máu xương để làm thay đổi. Có thể dẫn ra ở đây nhiều ví dụ. Chẳng hạn, ở nhiều địa phương, bên cạnh việc duy trì, phát huy và nâng cao vai trò của gia đình, họ tộc trong việc giáo dục trẻ em, chúng ta đã làm tái sinh trở lại nhiều hủ tục cổ lỗ lạc hậu gắn liền với cơ cấu làng xã, với cách tổ chức và quản lý xã hội theo lối tiểu nông, với không khí đình đám, hội hè, chia mâm chia bát trên manh chiếu làng, với những hành vi mất dân chủ, xâm phạm đến quyền tự do của cá nhân.
Đặc biệt, trong gia đình, với quan niệm “bảo vệ những giá trị truyền thống”, trong nhiều trường hợp, chúng ta đã làm tái sinh nhiều suy nghĩ và tập tục cổ hủ gắn liền với thói gia trưởng, tư tưởng trọng nam khinh nữ, sự cấu kết gia đình, tộc họ, gây chia rẽ, mất đoàn kết trong gia đình và giữa gia đình với xóm giềng, cộng đồng. Trong việc giáo dục con cái, bên cạnh xu hướng buông lỏng việc chăm sóc giáo dục con cái, nhiều gia đình, với quan điểm giữ gìn nề nếp gia phong lại o ép, giam hãm, không muốn con cái tiếp xúc với cái xã hội mà theo họ là không lành mạnh, buộc chúng ngay từ nhỏ đã phải khuôn phép cứng nhắc để rồi lớn lên lại chỉ còn là những con người yếm thế, nhu nhược, bị động với cuộc sống, “thiên lôi chỉ đâu đánh đấy”.
Sự thiếu thống nhất trong việc chọn lựa những giá trị tuyền thống để truyền dạy cho con cháu cũng khiến chúng ta chưa xây dựng được những chuẩn mực văn hoá chung trong việc giáo dục gia đình. Chúng ta chưa có được những công trình nghiên cứu, phân tích, tổng kết, xem trong những chuẩn mực văn hoá truyền thống, những gì là lạc hậu, bảo thủ, không còn phù hợp với xu hướng tiến bộ của xã hội hiện đại cần phải lên án và phê phán mạnh mẽ, những gì là tiến bộ cần phải được tiếp thu, kế thừa và phát triển. Chúng ta cũng chưa thống nhất được một bộ khung lý luận và phương pháp luận và những tiêu chuẩn cụ thể để xem xét, đánh giá chính xác được những gì nên giữ lại và phát huy , những gì nên loại bỏ. Bởi vậy, dường như mỗi địa phương, khu vực mỗi gia đình lại có những quan niệm và hành động khác nhau.
Chỉ nghiên cứu sâu một số quy ước về làng văn hoá được ban hành gần đây ở một số địa phương, chúng ta cũng có thể thấy được tính phức tạp và sự thiếu thống nhất nói trên. Có làng, do điều kiện kinh phí hoạt động có hạn, chỉ nhấn mạnh việc chăm sóc giáo dục trẻ em như là nghĩa vụ của gia đình, tộc họ, quy trách nhiệm, thậm chí xử phạt các gia đình mỗi khi con cái họ làm điều sai trái, có làng lại đặt nặng vấn đề chăm sóc giáo dục trẻ em ở phía các đoàn thể, chính quyền thôn, xóm.
Các quy chuẩn văn hoá trong mỗi làng cũng có những điểm khác nhau, tuỳ thuộc vào lề thói, tập tục cổ truyền của mỗi nơi. Chẳng hạn có nơi, đặt ra những quy ước chặt chẽ về việc gia đình phải theo dõi giám sát hành vi của con cái, phải có góc học tập, phải uốn nắn không để con cái nói tục, chửi bậy v.v… nhưng lại không hề ngăn cản thậm chí còn ủng hộ dưới hình thức này hay hình thức khác việc các em nhỏ bỏ ra thành phố kiếm sống vì cảm thấy các em có khả năng kiếm được tiền không khó khăn như ở nhà.
Vấn đề đưa những nội dung giáo dục các giá trị truyền thống vào cuộc sống học tập sinh hoạt thường ngày của trẻ trong gia đình và cộng đồng cũng như vậy. Mỗi nơi, mỗi cơ sở dường như lại có những quan niệm và cách thức thực hiện riêng biệt. Quan niệm về việc xã hội hoá, phát huy sức mạnh của toàn xã hội, Đảng, chính quyền các đoàn thể, gia đình và cộng đồng xã hội cho công tác chăm sóc giáo dục trẻ em trong đó có giáo dục các giá trị văn hoá gia đình truyền thống được mở rộng đôi khi tới mức ở nhiều địa phương, cơ sở, màn hợp xướng quan trọng này lại dường như vắng bóng một vị nhạc trưởng.
Do vậy, dường như mỗi tổ chức chính quyền, đoàn thể xã hội tại địa phương lại có những quan niệm, cách hiểu và cách làm khác nhau. Rõ ràng, trong những trường hợp này, vai trò tổ chức và điều hành chung công tác chăm sóc giáo dục, trong đó có giáo dục các giá trị văn hoá gia đình truyền thống cho trẻ em là rất quan trọng và cần phải được chú ý, thống nhất.
Tuy nhiên trong việc giáo dục các giá trị văn hóa gia đình cho thế hệ trẻ, chúng ta đừng bao giờ được quên rằng chính gia đình vẫn là yếu tố căn bản và quan trọng nhất. Cần phải làm tất cả những gì cần thiết nhất để gia đình làm tốt được công việc này.