Trong khi gia đình nhiều thế hệ gần như bị gia đình cá thể lấn lướt ở khắp mọi nơi, nhưng ở một số địa phương như tại tỉnh Thừa Thiên Huế, còn tồn tại khá phổ biến và được nhiều gia đình chấp nhận, tự hào xem đó như là sức sống văn hóa gia đình nơi đây, một trong những địa phương vẫn còn lưu giữ được các giá trị văn hoá gia đình truyền thống tốt đẹp, những giá trị này đang từng ngày được lưu giữ và phát huy cùng với các hệ giá trị văn hoá gia đình hiện đại.
Toàn bộ trục gia phong của gia đình Huế vẫn là hiếu nghĩa: Thế nên, Huế là một trong rất ít địa phương ở Việt Nam có một nền nếp gia phong bền vững nhất, Văn hóa gia đình ở Huế luôn lấy những giá trị chuẩn mực như lễ giáo, hiếu học, tinh thần tự tôn, tự lực… làm cái gốc để hình thành và phát triển một gia đình thực thụ.
Huế tồn tại nhiều gia đình “tứ đại đồng đường”, “ngũ đại đồng đường”…Ngày trước, với ba đến bốn thế hệ sống sum vầy dưới một nếp nhà. Mỗi gia đình đều có gia pháp riêng nhưng chính sự nghiêm khắc của các bậc cao niên đã giáo dục con cháu ngay trong gia đình sống có thứ bậc, có trách nhiệm, không tuỳ tiện. Vậy nên, những đứa trẻ trong gia đình ở Huế thấm nhuần từ tính cách, sinh hoạt, ăn nói, đứng ngồi, giờ giấc của từng bữa ăn, cách sắp đặt bàn thờ, những ngày giỗ, ngày kỵ. Con trai, con gái lớn lên phải ý thức được rằng, lấy vợ hay lấy chồng, đều có nghĩa là lấy luôn cả gia đình bên vợ hoặc bên chồng.
Trong những đại gia đình Huế xưa, người đàn ông sẽ đảm đương công tác xã hội và trao hẳn vai trò “tề gia” cho người phụ nữ. Vì vậy, vai trò của người mẹ trong việc giáo dục con mang những nét khác biệt. Người phụ nữ là tấm gương của “tứ đức” (công – dung – ngôn – hạnh), của đảm đang, lo việc nội trị cho chồng yên tâm ngoại giao, cũng là người thầy của con trẻ trong những bài học đạo đức, luân lý, nữ công gia chánh. Chỉ có Huế mới có chuyện người phụ nữ cầm roi dạy con như bà Từ Dũ đánh vua Tự Đức khi ông còn trị vì đất nước.
Các cô gái sinh trưởng trong một gia đình ở Huế vẫn ảnh hưởng lề lối phong tục đậm chất phong kiến: Hoạ sĩ Công Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai giảng dạy ở trường Đại học Mỹ thuật Huế, nhưng chị còn được biết đến như một đầu bếp cừ khôi. Chị đã dày công lưu giữ những kiến thức quý giá về văn hóa ẩm thực của người xưa, không chỉ nấu ăn ngon, chị còn trình bày món ăn như tác phẩm nghệ thuật. Chị kể: “Ngày trước, những bà mẹ Huế dạy con thiên về cứng rắn, giấu kín tình cảm, tránh đối thoại hai chiều cũng như không loại trừ biện pháp roi vọt…”
Một gia đình hạnh phúc trong quan niệm của người Huế không thể thiếu không khí sum vầy và những bữa ăn ngon, đó cũng là nếp nhà. Có thể chỉ bằng nguyên liệu dễ kiếm nhưng với công thức chế biến món ăn cầu kỳ một chút, người phụ nữ Huế sẽ biến cái dân dã thành món ẩm thực đặc sắc. Nỗi lo lắng của những người mẹ ở Huế chính là khi con đi lấy chồng vẫn chính là khả năng thu vén, lo được miếng ăn, thức uống vừa miệng chồng, con. Ngay từ khi con gái còn ấu thơ cho đến niên thiếu và trưởng thành, người mẹ vẫn âm thầm quan sát, trực tiếp hướng dẫn để người con gái Huế được trang bị một vốn liếng quý giá khi trưởng thành. Không ít phụ nữ đã có cách dạy con “thô cũng đặng, mà thanh cũng hay”, có nghĩa là ở nhà thì xốc vác, đảm đang ra ngoài thì áo nón chỉnh tề, đi đứng ý tứ, nói năng lễ độ, họp bạn thì ít nhiều cũng góp tiếng ngâm thơ, đàn hát. Con gái học gia chánh, học thêu thùa, may vá là học cái khéo tay, đảm đang, vun vén, đó cũng là cách rèn chữ “nhẫn” và dù nghèo khó bao nhiêu đi nữa vẫn cố giữ “nếp nhà”.
Sự “gạn đục, khơi trong” về các giá trị chuẩn mực văn hóa gia đình đang là xu hướng tích cực. Gia đình hiện đại ngày càng phát triển trên nền tảng gia đình truyền thống vẫn được xem là cơ bản và vững chắc ở Huế. Những ngôi làng cổ vẫn còn nguyên vẹn, những mái nhà của cha ông vẫn trùng tu, bảo tồn bên cạnh những ngôi nhà hiện đại cao tầng của con cháu. Nó như một vật chứng giáo dục về gìn giữ gia phong, lễ giáo và truyền thống tốt đẹp của gia đình. Và trong mỗi gia đình hiện tại, họ luôn ý thức thực hiện tốt phong trào “ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”. Bên cạnh đó, từ các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình văn hóa… đã lồng ghép giữ gìn những giá trị, chuẩn mực tốt đẹp của văn hóa gia đình.
Ngày nay, đại gia đình ngày càng phân hóa, nhường chỗ cho xu thế gia đình cá thể. Trong xã hội hiện đại, chức năng của gia đình như bị thu hẹp lại, chuyển giao chức năng giáo dục cho nhà trường và xã hội. Những chuẩn mực, giá trị văn hóa gia đình ở Huế mặc dù luôn được bảo tồn và phát triển, nhưng bên cạnh mặt trái của cơ chế thị trường, sự phát triển không ngừng của kinh tế, xã hội sẽ là nguyên nhân dẫn đến mai một và dần biến mất.
Văn hoá Huế ngày nay có thể tồn tại song hành cả những giá trị truyền thống và những giá trị hiện đại, vừa giữ gìn, duy trì, kế thừa truyền thống, vừa biến đổi để phát triển văn hoá. Đó là tính liên tục và sự biến đổi của văn hoá nói chung và văn hoá gia đình ở Huế nói riêng. Vấn đề cần được xem xét, làm thế nào để bảo lưu giá trị văn hóa gia phong truyền thống, gắn với vai trò của gia đình, dòng họ. Kết hợp hài hòa mối quan hệ giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội trên cơ sở gia phong truyền thống, sẽ góp phần quan trọng trong việc định hình nhân cách trẻ thơ cũng như sự hài hòa trong nội dung giáo dục đạo đức luân lý, kỹ năng hướng nghiệp và tri thức ứng xử.