Ở bất kỳ một quốc gia nào dòng họ đều có những mối liên quan và có những ảnh hưởng nhất định đến các gia đình thuộc các dòng họ đó, nhất là đối với những quốc gia phương Đông theo đạo Khổng. Mối quan hệ qua lại giữa các gia đình và dòng họ cũng còn tùy thuộc vào trình độ phát triển xã hội cụ thể của mỗi quốc gia.
Đối với nước ta, từ xưa đến nay, việc duy trì huyết thống, dòng tộc vẫn là vấn đề thiêng liêng của mỗi người từ mọi thế hệ. Các mối quan hệ của các gia đình với bà con họ hàng vẫn còn bảo lưu cho đến tận ngày nay, gồm nhiều mối liên hệ qua lại với hai phía họ hàng nội, ngoại “Chú như cha, dì như mẹ”.
Quan hệ giữa các thành viên gia đình với họ tộc là quan hệ kép, vừa có tính thân tình theo huyết thống (cô, dì, chú, bác) vừa có tính cộng đồng (hàng xóm, láng giềng). Nếu xử lý tốt, hai khía cạnh này bổ sung cho nhau khiến mối quan hệ càng trở nên tốt đẹp. Nếu xử lý không tốt có thể làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn.
Người xưa thường nói “chim có tổ, người có tông”, chăm sóc, bảo vệ, phát triển nòi giống, dòng tộc, thờ phụng tổ tiên, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông, gia đình, họ tộc là trách nhiệm bổn phận của các thế hệ nối tiếp nhau.
Nhà văn hóa Đào Duy Anh, nhà nghiên cứu văn hóa hàng đầu của Việt Nam trong tác phẩm của mình đã đưa ra cách hiểu gia đình Việt Nam gồm có “nhà” là tiểu gia đình (gồm cha, mẹ, con cái) và “ họ” là đại gia đình gồm những người cùng một ông tổ sinh ra, kể cả người sống và người chết. Các quan hệ gia đình theo ông gồm: Họ nội, họ ngoại, quan hệ hôn nhân “ họ nội không lấy được nhau, họ ngoại hai đời không lấy được nhau, có con trai để nối dõi tông đường là nhiệm vụ cực kỳ thiêng liêng, kết hôn để duy trì gia thống, nếu không làm được là tội bất hiếu,….
Con người có tổ có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn
Như vậy, mỗi người đều thuộc về một dòng họ nhất định, là gia đình lớn, bao gồm trong đó có nhiều cặp vợ chồng và những con cái của họ cùng những bà con họ hàng anh em của người chồng, người vợ ( thường là gia đình con cái chưa trưởng thành). Cùng với các gia đình của mình, mỗi người cũng thuộc về một tổ chức họ hàng rộng lớn hơn, là tập hợp của nhiều gia đình lớn, có cùng chung một dòng họ, hay nói theo cách khác, có chung một ông tổ tính theo dòng cha, mà họ của người đó được truyền cho những người đứng đầu các gia đình lớn.