Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch Nước, Lãnh đạo Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt việc hỗ trợ trẻ em nạn nhân và xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Từ năm 2015 đến nay, hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em liên tục được bổ sung, sửa đổi. Về cơ bản, quy định pháp lý về bảo vệ trẻ em, trong đó có phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, xâm hại đã được đổi mới để đáp ứng việc giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tế và tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế. Đặc biệt, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân về bảo vệ trẻ em được quy định cụ thể. 03 Luật, 02 Nghị định của Chính phủ, 01 Chỉ thị và 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ trẻ em được ban hành:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (Luật số 100/2015/QH13) có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng xử lý nghiêm đối với hành vi xâm hại người chưa thành niên.
– Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (Luật số 101/2015/QH13) quy định thủ tục tố tụng đặc biệt đối với người dưới 18 tuổi để bảo đảm thân thiện và lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi.
– Luật trẻ em năm 2016 (Luật số 102/2016/QH13) quy định chương riêng (Chương IV) và nhiều điều, khoản trong Luật về bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ: Phòng ngừa, Hỗ trợ và Can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ hoặc đang bị xâm hại đồng thời quy định các biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.
– Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em trong đó quy định cụ thể về quy trình, thủ tục lập và thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại và về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
– Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
– Quyết định số 565/QĐ-TTg ngày 25/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 – 2020, trong đó có dự án Phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em.
– Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
– Quyết định số 856/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, điều phối giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan Chính phủ, phối hợp giữa Chính phủ với các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; phối hợp giữa các địa phương trong việc thực hiện quyền của trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em, đặc biệt là bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại.
Hằng năm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện công tác trẻ em, trong đó có trọng tâm về chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và phối hợp thực hiện công tác bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em tại địa phương.