Bạo lực gia đình, nhất là với phụ nữ từ lâu có thể coi là vấn nạn của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Các quốc gia trên thế giới kể cả các nước phát triển cũng đang tích cực đấu tranh với nhiều mô hình phòng chống bạo lực gia đình ngày càng được nhân rộng, kiện toàn, góp phần nâng cao ý thức phòng ngừa hành vi xấu và đẩy lùi tình trạng bạo lực gia đình.
Tại Canada, các cơ quan chức năng xây dựng chương trình phòng ngừa, ứng phó bạo lực gia đình theo 3 cấp độ. Trong đó, cấp độ đầu tiên là phòng ngừa hướng tới đối tượng chính là nam giới và trẻ em trai. Canada đã triển khai nhiều chiến dịch truyền thông trong hàng thập kỷ như “Ruy băng trắng”, “Hãy đi vào đôi giầy của cô ấy” nhằm huy động sự tham gia của nam giới, trẻ em trai chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Các chiến dịch của Canada đã lan tỏa ra hơn 60 nước… Bước can thiệp cấp 2 nhằm xác định, can thiệp sớm những đối tượng nguy cơ cao. Bước 3 là can thiệp sau bạo lực nhằm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân. Các dịch vụ này phần lớn do các tổ chức xã hội chuyên nghiệp thực hiện. Hiện Canada có hơn 600 nhà tạm lánh cho phụ nữ bị bạo lực.
Thụy Điển còn có một mô hình rất nổi bật là Trung tâm khủng hoảng dành riêng cho nam giới, cung cấp kiến thức, kỹ năng, các chương trình đào tạo cho nam giới để xử lý cơn nóng giận, khủng hoảng, xây dựng mối quan hệ lành mạnh, nói không bạo lực. Với những nam giới gây bạo lực đã bị kết án, các nhà tù cũng kết nối với nhiều đơn vị nhằm chữa trị, đào tạo bắt buộc, giám sát chặt chẽ để người đó không lặp lại các hành vi bạo lực khi hết hạn tù…
Ở Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã chủ trì việc xây dựng Mạng lưới quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, các đoàn thể quần chúng, tổ chức phi chính phủ. Mạng lưới này đã tạo ra diễn đàn để các bên liên quan thông tin, chia sẻ bài học kinh nghiệm, xây dựng các chương trình hoạt động chung nhằm tăng hiệu quả cách tiếp cận đa ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình. Từ đó, nhiều mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng đã ra đời, góp phần hạn chế nhiều vụ việc nghiêm trọng.
Ở nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thừa Thiên – Huế, Cà Mau, Lâm Đồng… đã thí điểm thực hiện mô hình “Địa chỉ tin cậy – Nhà tạm lánh” nhằm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả những nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em bị bạo hành, xâm hại. Mô hình này giúp cho nạn nhân của bạo lực gia đình, người có nguy cơ bị bạo lực có nơi tạm lánh khẩn cấp, cách ly với người gây bạo lực; giúp các nạn nhân tiếp cận các dịch vụ chăm sóc tối thiểu ban đầu về y tế, phục hồi sức khỏe, tư vấn ổn định tâm lý, tư vấn pháp luật cơ bản và phòng tránh bạo lực tiếp tục tái diễn…
Tại thành phố Đà Nẵng, mô hình câu lạc bộ “Nam giới tiên phong” được thành lập tại phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) và xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) với sự tham dự của các “anh chồng”, đến nay, các CLB sinh hoạt thường kỳ 1 lần hoặc 2 lần/tháng với chủ đề về việc xây dựng các mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng với phụ nữ như: Thay đổi chuẩn mực giới, giao tiếp khi nóng giận, cam kết thay đổi bản thân, tạo thay đổi và vận động cho phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái…
Mô hình này mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc giúp thay đổi kiến thức, hành vi thái độ của các thành viên Câu lạc bộ, gia đình cũng như cộng đồng nhỏ, giúp giảm khoảng 50% các vụ bạo lực gia đình trên địa bàn.
Gần đây, mô hình các Câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình đã được hình thành ở nhiều bản, làng dân tộc ở huyện miền núi Tam Ðường (Lai Châu) đã góp phần tích cực đẩy lùi thói vũ phu, gia trưởng, nghiện rượu… Với hơn 11.100 hộ đồng bào DTTS, hiện toàn huyện đã có 50 Câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình tại 10/14 xã thu hút gần 600 thành viên. Các câu lạc bộ đã tuyên truyền lồng ghép về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới và kết hôn cận huyết thống… cho gần 400 hội viên tham gia.
Với gần 100 buổi sinh hoạt, cấp 200 tài liệu tuyên truyền lồng ghép công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở các xã, thị trấn và thôn, bản vùng sâu, vùng xa, các Câu lạc bộ đã góp phần nâng cao nhận thức cho nhiều hội viên, qua đó giảm dần số vụ bạo lực gia đình.
Huyện vùng cao Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi với 85% dân số là đồng bào dân tộc H’re. Từ năm 2012 đến nay, huyện đã thành lập mô hình Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; nhóm phòng, chống bạo lực gia đình. Các câu lạc bộ này đã trở thành địa chỉ tin cậy, hóa giải những hiềm khích, mâu thuẫn trong gia đình bằng những phân tích, mổ xẻ thấu tình đạt lý, những lời khuyên can, tư vấn hay sự chia sẻ kịp thời. Những Câu lạc bộ hoạt động hiệu quả như ở xã Ba Bích, xã Ba Cung, thị trấn Ba Tơ… Đến nay, ở nhiều địa phương đã xuất hiện những mô hình mới, như “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực gia đình trên cơ sở giới”, “Hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình”.
Toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng được hơn 700 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và 229 đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình nhằm giúp đỡ, tiếp nhận, bảo vệ kịp thời các nạn nhân qua việc hỗ trợ, tư vấn, bố trí nơi tạm lánh cho họ. Nhiều Câu lạc bộ hoạt động hiệu quả như: Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững thị trấn Yên Lạc; Câu lạc bộ xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo; Câu lạc bộ xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc; xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường…
Đến nay, cả nước đã hình thành hơn 18 nghìn Câu lạc bộ với hơn 31 nghìn địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, hơn 20 nghìn nhóm hoạt động phòng chống bạo lực gia đình. Có thể khẳng định, các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình đã có những tác dụng nhất định cần tiếp tục nhân rộng để góp phần đẩy lùi nạn bạo lực gia đình.
Nguồn: hoinongdan.org.vn