Tình trạng bạo lực học đường hiện nay đang diễn ra theo chiều hướng phức tạp, nhiều hình thức với nhiều dạng khác nhau. Bạo lực học đường có thể chia ra các hình thức sau:
Các hành vi bạo lực vật chất, thể chất
Bạo lực vật chất xét trên một góc độ nhất định là những hành vi bạo lực này thường hướng đến sự bắt ép có liên quan đến vật chất hay những phương tiện vật chất có liên quan. Chẳng hạn như hiện tượng “bảo kê” trấn lột, kẻ mạnh trấn lột tiền hay tài sản có giá trị của kẻ yếu, chiếm đoạt các vật dụng của bạn bè, yêu cầu hăm dọa học sinh khác nộp tiền.
Hành vi hỏi mượn tiền mà không trả hay hành vi sỉ nhục hoặc đánh bạn chiếm tỷ lệ rất cao lên đến 80,5% cho thấy các em học sinh thường giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực dưới nhiều hình thức khác nhau như đánh, đấm… dùng các hung khí nguy hiểm như dao, kéo khiến khả năng thương tích là rất lớn, gây ra các hậu quả về mặt thể chất như xây xát, chảy máu tay chân mặt mũi và những chấn động tâm lý cho các em học sinh. Các hành vi này xảy ra ở trong trường học thuộc những nơi vắng vẻ ít người qua lại, thường ở nhà vệ sinh, khu vực thể dục hay ở ngay trong lớp học giữa những giờ giao ca, những giờ ra chơi.
Hành vi bạo lực tâm lý, tình cảm, tình dục
Bạo lực tâm lý tình cảm trong môi trường học đường thường được thể hiện dưới hình thức như: hình thức mang tính dọa dẫm đe dọa, sỉ nhục gây ức chế lo sợ cho học sinh.
Chúng ta có thể nhận thấy hành vi mà các em học sinh thường xuyên bị bạo hành là dùng lời lẽ xúc phạm lăng mạ 48 %, ở mức độ một vài lần là hành vi cố ý động chạm vào những chỗ nhạy cảm, dùng những lời nói thiếu tế nhị khiêu dâm.
Khi thực hiện các hành vi bạo lực, thường học sinh chọn những địa điểm phù hợp để hành động. Theo khảo sát địa điểm diễn ra bạo lực học đường thường những chỗ vắng vẻ ở trong trường (55%), ở ngay lớp học (28%), ở xa trường những nơi ít người qua lại (11%), ở ngoài đường phố (8%). Địa điểm mà học sinh chọn để có những hành vi bạo lực đa số là những chỗ vắng vẻ ngay trong trường như sân sau trường, khu vực nhà vệ sinh, sân thể dục vì không muốn bị phát hiện, muốn che giấu hành vi sai trái của mình.