Bối cảnh mới hiện nay như kỹ thuật số, cách mạnh công nghiệp 4.0, sự bùng nổ của internet và mạng xã hội, vv. đặt ra yêu cầu cần có cách nhìn mới, “động” hơn về mối quan hệ của thiết chế gia đình với các thiết chế xã hội khác như kinh tế, văn hóa, chính trị, vv, tìm hiểu và thúc đẩy vai trò và sự tham gia của gia đình vào các quá trình phát triển xã hội bền vững, vì các mục tiêu và động lực phát triển hiện nay đều nhấn mạnh đến nhân tố phát triển con người, cũng chính là đảm bảo sự ổn định và phát triển của gia đình, nơi mỗi cá nhân con người của xã hội sinh ra, lớn lên và trưởng thành.
Cách mạng công nghệ lần thứ 4 với đặc điểm là sự kết hợp một cách sâu rộng các lĩnh vực khoa học công nghệ sẽ có những ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ hôn nhân và gia đình Việt Nam. Việc bùng nổ các thiết bị thông minh khiến cá nhân dễ dàng đắm chìm trong thế giới vô tận ảo và giảm sút các giao tiếp trực tiếp trong gia đình, trong xã hội. Khả năng kết nối thực và ảo, tạo nên một thế giới phẳng khiến lối sống, cảm xúc, ứng xử, hệ giá trị của con người và đặc biệt là sự duy trì các quan hệ xã hội thực sự bị đảo lộn. Trí tuệ nhân tạo và tự động hóa một mặt, mang lại tiềm năng lớn giải phóng sức lao động của con người, nhưng mặt khác, đang tạo nên một thế giới tình yêu, hôn nhân ảo-như robot tình dục, hẹn hò trực tuyến, v.v. có nguy cơ tạo nên một thế hệ trẻ không cần tình yêu, thậm chí không cần cả tình dục, không cần gia đình, không cần con cái, và đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại và bền vững của các quan hệ gia đình trong thế giới thực. Thực tế, một số quốc gia trên thế giới đã ghi nhận hiện tượng nam giới hẹn hò và cưới robot tình dục hoặc một thế hệ trẻ đắm chìm trong thế giới công nghệ mà lảng tránh đời sống thực. Đây là một nét rất mới của bối cảnh chuyển đổi khiến cho cấu trúc của gia đình, dòng họ và mối quan hệ gia đình sẽ chịu ảnh hưởng.
Thách thức lớn nhất đối với gia đình Việt Nam trong những năm đầu của thế kỷ XXI vẫn là việc làm thế nào vừa tiếp thu những giá trị nhân văn mới trong xu thế hội nhập với cộng đồng quốc tế, lại vừa phải giữ được bản sắc dân tộc và phát huy được những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tạo điều kiện cho sự ổn định và phát triển lâu dài của đất nước.
Những giá trị gia đình được định hình thông suốt và thống nhất được thể hiện trong các văn kiện Đại hội Đảng là “ấm no”, “tiến bộ”, “hạnh phúc”, “văn minh”, “bình đẳng”. Đây là những giá trị quan trọng, mang hàm nghĩa rộng mà đời sống xã hội có những biểu hiện cụ thể hơn. Các kết quả nghiên cứu về giá trị gia đình Việt Nam hiện nay cho thấy rõ nét các biểu hiện phong phú của giá trị gia đình truyền thống và giá trị gia đình hiện đại, sự bền vững của văn hóa trong hiện đại hóa,sự chuyển đổi từ giá trị hiện đại sang hậu hiện đại, khác biệt giới, và sự ảnh hưởng của quá trình thể chế hóa hệ thống pháp luật và chính sách đến hình thành các giá trị và quan niệm mới của các gia đình.