Hiện nay, có một số chương trình, đề án được ban hành có đề cập đến các nội dung của giáo dục làm cha mẹ, đến vai trò của cha mẹ trong chăm sóc, giáo dục trẻ em. Cụ thể là:
Đề án “Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018 – 2025”, ban hành kèm theo Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đề án đã đặt ra nhiệm vụ hỗ trợ kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ trong chăm sóc toàn diện cho trẻ từ 0-8 tuổi. Tuy nhiên, Đề án chưa xác định nhiệm vụ xây dựng tài liệu khung về hỗ trợ cha mẹ theo các mốc phát triển của trẻ và chưa thể hiện rõ cách thức truyền tải kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ tại cộng đồng. Đây sẽ là những khoảng trống cần được giải quyết thời gian tới, nhất là cách thức cung cấp kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ có con từ 8 – 16 tuổi.
Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 – 2027”, ban hành kèm theo Quyết định số 938/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của đề án là “Xây dựng Chương trình quốc gia về giáo dục cha mẹ”. Mặc dù đề án chưa nêu cụ thể mục tiêu, các nội dung trọng tâm của chương trình, giải pháp và cách thức triển khai, tuy nhiên, cần nhìn nhận việc xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về giáo dục cha mẹ chính là một đầu ra của đề án, cần được đảm bảo.
Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1677/QĐ-TTg ngày 03/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đề án chỉ tập trung vào phạm vi trong nhà trường, nhóm/lớp; chú trọng cải thiện cơ sở vật chất, giáo viên, tỷ lệ trẻ đến lớp…nhưng chưa đặt nhiều quan tâm đến mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình, giữa giáo viên và cha mẹ trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ. Điều này có thể dẫn đến hạn chế trong việc thúc đẩy vai trò của cha mẹ cùng với giáo viên cải thiện môi trường phát triển cho trẻ ngay tại gia đình.
Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” giai đoạn 2010 – 2015 đã được triển khai tại 14 tỉnh. Mô hình, hoạt động của đề án sau 3 năm triển khai thí điểm đã được nhân rộng ra 63 tỉnh/thành trong cả nước. Tuy nhiên, các hoạt động của đề án chưa tiếp cận rộng tới các đối tượng ở vùng sâu, xa, miền núi, khu vực khó khăn; hoạt động chủ yếu hướng tới bà mẹ có con dưới 16 tuổi, chưa có nhiều hoạt động thu hút sự tham gia của nam giới và trẻ em nam vị thành niên. Đây là bài học cho quá trình xây dựng các nội dung của Chương trình giáo dục làm cha mẹ, trong đó, chú trọng đến bình đẳng giới trong xây dựng và triển khai hoạt động.
Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020, ban hành kèm theo Quyết định 1028/QĐ-TTg ngày 8/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu của chương trình tập trung vào tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nam nữ thanh niên, vợ chồng trẻ…về giáo dục đời sống gia đình. Tuy nhiên, các hoạt động hầu hết được triển khai lồng ghép, giao trách nhiệm cho các cơ quan nên chưa thực sự thấy được kết quả của chương trình gắn với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ.
Ngoài ra, một số chương trình, đề án có liên quan đến các nhóm đối tượng trẻ em và thúc đẩy các vấn đề của trẻ em, trong đó, có đề cập đến vai trò của cha mẹ, chẳng hạn: Đề án “Vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 – 2025”; Đề án “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020”; Đề án “Hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2018 – 2025”; Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 – 2020; Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016 – 2020; Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 – 2020; Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020…