Điều kiện kinh tế – xã hội
Trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam, các giá trị đạo đức luôn được đặt lên hàng đầu. Trong đó, đạo đức gia đình truyền thống bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau.
Thứ nhất, nền sản xuất nông nghiệp theo đặc trưng của nền văn minh lúa nước. Nền sản xuất đó về cơ bản phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, đòi hỏi nhiều sức lao động. Bên cạnh đó, do điều kiện tự nhiên của Việt Nam hết sức khắc nghiệt, hạn hạn và lũ lụt thường xuyên xảy ra, vấn đề thủy lợi giữ vị trí quan trọng và quyết định đến kết quả lao động mà điều này không thể chỉ do một người thực hiện được. Những yếu tố đó đòi hỏi sự liên kết, gắn bó chặt chẽ mọi người với nhau. Chính các yếu tố này ảnh hưởng đến con người Việt Nam, làm cho con người Việt Nam trở nên cần cù trong lao động, yêu thương, gắn bó và đoàn kết với nhau, tình làng nghĩa xóm trở nên sâu sắc hơn, sống thủy chung có trước có sau. Từ tình yêu đất nước, dân tộc của con người đã trở thành cội nguồn của đạo đức gia đình truyền thống.
Thứ hai, xuất phát từ việc phát triển nền nông nghiệp lúa nước, mối quan hệ giữa nước – làng – nhà là bền chặt. Nước có thể bị xâm lược, nhưng làng và nhà là đơn vị không thể bị mất, đồng thời, làng – nhà trở thành cơ sở để bảo vệ và xây dựng nước. Chính mối quan hệ này trở thành cơ sở để tạo dựng và duy trì sự gắn kết con người từ phạm vi nhỏ nhất là gia đình. Để có được điều này, việc kính trên – nhường dưới, tôn trọng, chung thủy, v.v. trở thành những giá trị đạo đức gia đình.
Thứ ba, trong lịch sử, xã hội Việt Nam có phân hóa một cách sâu sắc. Trong lịch sử nước ta cũng như trên thế giới, cơ sở hình thành gia đình dựa trên hôn nhân giữa đàn ông và đàn bà. Chế độ phong kiến Việt Nam là một chế độ quân chủ chuyên chế trong đó vua là người nắm quyền lực tối cao. Điều đó tạo đà cho vai trò gia chủ của người đàn ông trong việc quản lý gia đình với tư cách là tế bào của xã hội. Sự phân hóa xã hội ngày càng sâu sắc thì đòi hỏi tính độc lập tự chủ của gia đình càng cao, trách nhiệm của người chủ gia đình đối với các thành viên gia đình cũng như giữa các thành viên với nhau càng trở nên thiết thực hơn nhằm đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của gia đình. Nói cách khác, tình thương và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình ngày một cao hơn để đối phó với sự phân hóa giàu nghèo, sang hèn trong xã hội.
Yếu tố lịch sử, văn hóa tư tưởng
Khi nhìn vào giá trị đạo đức của một đất nước, một dân tộc, người ta sẽ nhìn vào lịch sử cũng như văn hóa tư tưởng để đánh giá nó.
Thứ nhất, xét về mặt lịch sử, Việt Nam là một đất nước có bề dày lịch sử lâu đời với truyền thống chống giặc ngoại xâm. Chính tinh thần yêu nước đã giúp cho dân tộc ta vượt qua những khó khăn, thử thách khốc liệt và đi đến thắng lợi. Tinh thần yêu nước đó bắt nguồn từ những tình cảm đơn sơ và bình dị của mỗi con người. Từ sự quan tâm những người trong gia đình đến tình làng nghĩa xóm.
Tinh thần yêu nước của nhân dân ta thể hiện ở sự biết ơn các thế hệ đi trước hy sinh để bảo vệ biên cương , đất đai của Tổ quốc. Mặc dù dưới chế độ phong kiến, theo xác quyết của Kinh Thi rằng, “Khắp cõi dưới trời, chẳng có chỗ nào là không phải lãnh thổ của vua, noi theo những vùng đất ven bờ, dân chúng khắp nơi, chẳng ai không phải là bề tôi của vua” (Kinh Thi, bài Bắc Sơn 1, câu 7-10) [12, tr. 404], song vua hay quan cũng chỉ là nhất thời, còn cái thiêng liêng, vĩnh cửu mà người Việt Nam quan niệm là mồ mả của cha ông. Do vậy, người Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện tại không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ xâm lược và chiến đấu không chỉ vì độc lập tự do, mà vì chính những giá trị thiêng liêng đó.
Thứ hai, xét về mặt tư tưởng, văn hóa, ngoài nền văn hóa bản địa, Việt Nam còn tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, nhiều nhất là văn hóa phương Đông với Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo.
Nho giáo lấy đạo đức làm nền tảng và trở thành công cụ quản lý xã hội của giai cấp thống trị Trung Quốc. Sau nhiều thời gian thăng trầm, được sự giúp sức của hệ thống cầm quyền, Nho giáo từng bước được giai cấp thống trị Việt Nam đề cao và tiếp nhận. Đồng thời, nó cũng ăn sâu vào tâm lý và đời sống người Việt. Bên cạnh những yếu tố tiêu cực như trọng nam khinh nữ, gia trưởng, bảo thủ, trọng nghĩa khinh tài, học thuyết này vẫn có những yếu tố nhân bản tích cực như lòng thương người, quý trọng người già, đề cao triết lý nhân sinh, tu tâm dưỡng tính, đề cao văn hóa lễ nghĩa, khuyến khích việc học hành,…
Đạo giáo cũng là học thuyết chính trị – xã hội do Lão Tử sáng lập. Đây là học thuyết đề cao tình yêu thiên nhiên, kêu gọi con người tuân thủ các quy luật tự nhiên và không làm tổn hại đến tự nhiên để tránh các hậu quả tác động tiêu cực tới đời sống xã hội. Ngoài những mặt hạn chế như bùa chú ma thuật, trong học thuyết này cũng có những mặt tích cực phản ánh khát vọng trường sinh bất lão của con người.
Phật giáo vào Việt Nam rất sớm và có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của người dân. Với tư tưởng từ, bi, hỷ, xả, thương người như thể thương thân, yêu lao động, cuộc sống gắn bó với thiên nhiên, các giáo lý Phật giáo ăn sâu vào trong tâm hồn người Việt Nam. Phật giáo hướng con người tới nhận thức thuyết nhân quả, rằng ở hiền thì gặp lành; nhân nào quả nấy, v.v., từ đó, con người tự ý thức, tự điều chỉnh hành vi của mình. Chính yếu tố này giúp nâng cao đời sống của đạo đức của người dân về mặt tinh thần, củng cố hơn nữa cách sống nhân nghĩa, chân tình, thủy chung của con người Việt Nam. Phật giáo hướng con người tới việc hành thiện, làm phúc cứu giúp những thân phận khổ đau theo phương châm:
“Dù xây chín bậc phù đồ
Không bằng làm phúc giúp cho một người”.
Nói tóm lại, các yếu tố lịch sử, điều kiện tự nhiên, văn hóa tư tưởng đã kết thành một chỉnh thể với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Đặc biệt, các yếu tố bản địa đã tiếp biến với những nội dung thiết thực, có ý nghĩa trong các học thuyết triết học, chính trị – xã hội và đạo đức để tạo nên những giá trị riêng có của dân tộc, trong đó có truyền thống đạo đức gia đình.