Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển đã tạo nên những chuẩn mực đạo đức, giá trị nhân văn tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hoá dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như: Tình yêu nước, yêu quê hương, tinh thần tương thân, tương ái, vì cộng đồng; lòng yêu kính, hiếu nghĩa với ông bà, cha mẹ, tình cảm thuỷ chung son sắt giữa vợ chồng, sự sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau giữa anh chị em; tinh thần hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách v.v.. đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước, giữ nước và càng đặc biệt quan trọng như chất keo gắn kết cho mọi gia đình phát triển bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21 tháng 02 năm 2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Quyết định số 106/2005/QĐ-TTg ngày 16 tháng 5 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2005-2010” đã thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển gia đình.
Từ năm 2007, với trách nhiệm được Chính phủ giao quản lý nhà nước về gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác gia đình là phải làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Do đó, ngày 01 tháng 10 năm 2009, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3391/QĐ-BVHTTDL phê duyệt “Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020” nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục thiết thực, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và đặc trưng văn hóa vùng, miền.
Các mục tiêu của Đề án đã được đưa vào Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2012.
Mười năm qua, từ trung ương đến cơ sở đã triển khai, tổ chức thực hiện Đề án theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra và đạt được những kết quả khả quan.100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã nghiêm túc triển khai, thực hiện Đề án, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đông đảo quần chúng nhân dân về vai trò và ý nghĩa của giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; đóng góp hiệu quả vào mục tiêu chung của Chiến lược phát triển gia đình.