Thực hiện trách nhiệm được giao, năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ được giao về hỗ trợ người khuyết tật tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và du lịch thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành. Đặc biệt quán triệt Chỉ thị số 39 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác người khuyết tật” trong toàn ngành.
Bộ đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạo điều kiện hỗ trợ về mọi mặt cho các đoàn nghệ thuật người khuyết tật tham gia biểu diễn tại địa phương theo đúng quy định của pháp luật. Các hoạt động văn nghệ quần chúng được tổ chức nhằm tuyên truyền, động viên khích lệ, hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình đáp ứng nhu cầu bản thân, tạo điều kiện để người khuyết tật bình đẳng tham gia vào các hoạt động góp phần xây dựng cộng đồng xã hội, tự chủ trong cuộc sống, phấn đấu vươn lên trong cộng đồng. Từ đó, thu hút ngày càng đông đảo người khuyết tật tham gia luyện tập, thi đấu thể thao và phát hiện những tài năng trong lĩnh vực thể thao là người khuyết tật để đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ, tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia các hoạt động thi đấu thể thao thành tích cao của quốc gia, quốc tế.
Đối với lĩnh vực thể thao, Bộ cũng chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo phát triển phong trào thể dục thể thao cơ sở, tạo điều kiện về cơ sở vật chất tập luyện, tập huấn, tham dự các giải thể thao người khuyết tật trong nước và quốc tế. Tính đến thời điểm hiện nay, trên toàn quốc đã có nhiều đơn vị, tỉnh, thành và ngành có các câu lạc bộ thể dục thể thao của người khuyết tật (CLB TDTT NKT) và hầu hết các tỉnh, thành phố có phong trào Thể thao cho người khuyết tật. Các môn hoạt động thể thao người khuyết tật chính: Điền kinh, Bơi lội, Cử tạ, Bóng bàn, Cầu lông, Cờ vua…
Năm 2022, để triển khai thi hành các quy định của Luật người khuyết tật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền một số văn bản có nội dung liên quan đến hỗ trợ người khuyết tật. Năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu để Quốc hội ban hành Luật Điện ảnh ngày 15 tháng 6 năm 2022 trong đó hỗ trợ cho người khuyết tật tham gia các dịch vụ vui chơi, giải trí được quy định tại mục c, khoản 2, điều 19 là “Miễn, giảm giá vé cho người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, trẻ em, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đối tượng khác theo quy định của pháp luật”. Ngày 14/11/2022 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với tỷ lệ phần trăm nhất trí cao là 93,37% và sẽ có hiệu lực vào ngày 01/07/2023 và tham gia xây dựng nội dung quyền tác giả trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Trong các dự án Luật này, Bộ đã đề xuất bổ sung Điều 25a về ngoại lệ quyền tác giả dành cho người khuyết tật vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (được Quốc hội thông qua ngày 16.6.2022, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2023) nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt thòi và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả) đã tham mưu, trình Chính phủ đề xuất gia nhập Hiệp ước về tạo điều kiện cho người khuyết tật nhìn, người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước Marrakesh).