Đối với lĩnh vực văn hóa, các nội dung về bình đẳng giới được chú trọng quan tâm trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, đã được cụ thể hóa trong các tiêu chí, tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa (Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình Văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”) như: gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ; tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; ông, bà, cha, mẹ và các thành viên trong gia đình được quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng; hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, bình đẳng, hòa thuận, thủy chung; thực hiện tốt chính sách dân số; thực hiện bình đẳng giới; các thành viên trong gia đình được quan tâm, chăm sóc cả về vật chất, tinh thần, cùng tham gia bảo hiểm y tế, được chăm sóc sức khỏe … và nhiều quy định liên quan khác.
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhiều loại hình nghề nghiệp đặc thù, bao gồm đội ngũ diễn viên, vận động viên và huấn luyện viên là nữ. Trong đó, nhiều công việc có tuổi nghề ngắn, phải luyện tập, biểu diễn ở cường độ cao cũng như phải đối mặt với những rủi ro về chấn thương, tai nạn. Đặc biệt trong lĩnh vực thể thao, nhiều vận động viên là nữ khi gặp phải chấn thương đã không thể tiếp tục thi đấu cũng như ảnh hưởng tới sức lao động để đảm bảo thu nhập. Do đó, việc xây dựng chính sách, hoạt động phù hợp để trợ giúp cho nhóm diễn viên, vận động viên và huấn luyện viên là nữ là một trong những chỉ tiêu thể hiện sự quan tâm, thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực đặc thù này. Trong những năm gần đây, lĩnh vực thể thao đã ghi nhận nhiều thành tích cao của các vận động viên nữ:
Về huy chương năm 2019: 240/478 huy chương vàng; 173/372 huy chương bạc; 155/369 huy chương đồng.
Về vận động viên: tổng số có 4360, trong đó: Đẳng cấp cao 667/1.256 vận động viên diện Trung ương quản lý; 813/1.715 vận động viên cấp kiện tướng; 1.203/2.437 vận động viên cấp 1.
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về gia đình, trong đó, có các nhiệm vụ cụ thể là tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; thực hiện bình đẳng giới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tăng cường triển khai thực hiện bình đẳng giới và coi đây vừa là hoạt động chuyên môn và cũng là nhiệm vụ chính trị. Các nội dung về bình đẳng giới được lồng ghép trong tất cả các hoạt động của công tác gia đình và được coi là một nội dung quan trọng trong công tác gia đình. Cụ thể:
Triển khai tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Trong đó, tập trung vào các nội dung: Xây dựng và phát sóng các chương trình về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên kênh sóng VOV2 – Đài Tiếng nói Việt Nam.
Thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại 12 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương. Các tỉnh/thành còn lại (51) căn cứ điều kiện thực tế, chủ động triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí theo điều kiện đặc thù của địa phương và kế hoạch hướng dẫn của Bộ. Hiện nay 12 tỉnh, thành thí điểm đã triển khai thực hiện thí điểm theo Hợp đồng đã ký kết; tổ chức Lễ phát động, đăng ký phiếu thí điểm tới các hộ dân trên địa bàn; tuyên truyền về Bộ tiêu chí trên các phương tiện thông tin đại chúng, băng rôn, khẩu hiệu…Tại Trung ương, Bộ đã hoàn thiện Bộ tài liệu hướng dẫn thí điểm Bộ tiêu chí; triển khai tuyên truyền trên Tạp chí Gia đình và Trẻ em, Báo Phụ nữ Việt Nam.
Báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương về tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Chỉ thị 49-CT/TW về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng theo Quyết định số 1572/QĐ-TTg ngày 05/09/2014 về việc phê duyệt đề án “Tuyên truyền về xây dựng gia đình và Phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng đến năm 2020”
Phối hợp với Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới xây dựng số chuyên đề về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.