Thực hiện chương trình giám sát, chiều 10/10, tại thành phố Đà Nẵng, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước và phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Phát biểu tại phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh: Qua 10 năm thực hiện Luật, công tác phòng, chống bạo lực gia đình đã có bước tiến làm thay đổi nhận thức cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức về vấn nạn bạo lực gia đình và công tác phòng, chống bạo lực gia đình; trong đó, đóng vai trò quan trọng là cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình (Bộ VHTTDL) và sự phối hợp liên ngành về công tác này.
Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ông Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, từ năm 2009 – 2017, cả nước có 292.268 vụ bạo lực gia đình được phát hiện, trung bình mỗi năm có 36.534 vụ bạo lực gia đình. Nhờ sự nỗ lực từ Trung ương đến địa phương nên số vụ bạo lực gia đình năm sau thấp hơn năm trước. Đơn cử, năm 2009, trên cả nước xảy ra 53.206 vụ, đến năm 2017 chỉ còn 13.221 vụ bạo lực gia đình. Các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai rộng khắp trên cả nước. Từ năm 2008 đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì phối hợp với các địa phương triển khai được 12.055 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, qua đó góp phần giảm thiểu số vụ bạo lực gia đình trên cả nước…
Theo Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, các báo cáo, ý kiến tại phiên giải trình đã khẳng định quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, tạo cơ sở pháp lý điều chỉnh, xử lý cũng như quy định trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Sự vào cuộc từ Trung ương đến địa phương đã phát huy vai trò của cá nhân, gia đình và cộng đồng, làm thay đổi nhận thức trong nhân dân về nhận diện bạo lực gia đình và đấu tranh phòng, chống bạo lực gia đình. Qua đó, phát hiện sớm và có các biện pháp ngăn chặn, răn đe hành vi bạo lực gia đình, bảo đảm quyền con người, góp phần củng cố và xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, phù hợp với xu hướng phát triển, bình đẳng và hội nhập của thời đại…
Tuy nhiên, công tác phòng, chống bạo lực gia đình còn tồn tại những hạn chế, bất cập như: Việc ban hành văn bản thi hành còn chậm; chưa có cơ sở dữ liệu về bạo lực gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đáng tin cậy; sự phối hợp, chia sẻ thông tin còn thiếu và yếu. Công tác thông tin tuyên truyền mới chỉ tập trung vào nhóm đối tượng gián tiếp (cán bộ, công chức, các tổ chức, đoàn thể..); nội dung tuyên truyền, giáo dục về bạo lực gia đình chưa được truyền tải thường xuyên, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chưa có sự quan tâm đúng mức trong việc thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy cả nước đã hình thành mô hình hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình nhưng tính bền vững của mô hình không cao, việc nhân rộng mô hình còn hạn chế…
Kết luận phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Nguyễn Thúy Anh kiến nghị Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Bà Nguyễn Thúy Anh cũng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bạo lực gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; nghiên cứu để hình thành một số hệ thống cơ sở tư vấn, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình thiết thực và hiệu quả; tăng cường phối hợp tuyên truyền phổ biến pháp luật, tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình, thực hiện pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình.