Thực hiện trách nhiệm được quy định tại Luật người khuyết tật, Đề án về trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 (Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05/8/2012) và các văn bản khác có liên quan, hệ thống chính sách, pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch trong phần chính sách chung đã dành một dung lượng đáng kể quy định về chính sách đối với người khuyết tật với mục tiêu hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân; tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế – xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội. Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành, phối hợp ban hành và ban hành theo thẩm quyền.
Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện công tác hỗ trợ người khuyết tật trong các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ, du lịch phù hợp với thể chất, tâm lý và nhu cầu của người khuyết tật.
Về cơ bản, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trên đã được xây dựng và ban hành tương đối đầy đủ đảm bảo về số lượng, tính kịp thời, khả thi trong việc triển khai và phù hợp, thống nhất với hệ thống văn bản có liên quan như: Luật Thể dục, Thể thao năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, Thể thao (năm 2018), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật du lịch, Đề án hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 2012-2020…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như:
Ngoài lĩnh vực thể thao, các lĩnh vực văn hóa, gia đình và du lịch chưa có những văn bản chuyên biệt, quy định và hướng dẫn trực tiếp về các chính sách, hoạt động cho người khuyết tật mà chỉ lồng ghép các nội dung về người khuyết tật trong các văn bản quy phạm và văn bản quản lý nhà nước chung của ngành.
Hiện nay, toàn ngành chưa có cán bộ chuyên trách công tác người khuyết tật nên chưa chuyên sâu trong việc tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và thiếu kỹ năng triển khai các nhiệm vụ về người khuyết tật của ngành.
Kinh phí bố trí cho việc triển khai các văn bản về công tác người khuyết tật còn hạn chế; phần lớn các đơn vị không được bố trí kinh phí để thực hiện nhiệm vụ này mà phải lồng ghép trong các hoạt động chuyên môn khác của đơn vị nên hiệu quả công việc chưa đạt như mong muốn.