Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã bổ sung quy định về thời điểm hòa giải, cụ thể nội dung sau khi bổ sung là:
Hòa giải ngăn ngừa bạo lực gia đình, bao gồm: Khi phát hiện mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, các thành viên trong gia đình hoặc dòng họ thực hiện biện pháp hòa giải; Nếu gia đình, dòng họ đã thực hiện hòa giải nhưng việc hòa giải không thành thì thành viên gia đình đề nghị Tổ hòa giải cơ sở thực hiện hòa giải; Tổ hòa giải cơ sở có quyền thực hiện nhiều lần hòa giải các mâu thuẫn tranh chấp để ngăn ngừa phát sinh bạo lực gia đình.
Hòa giải ngăn chặn bạo lực gia đình: Khi phát hiện bạo lực gia đình, các thành viên trong gia đình, dòng họ tiến hành hòa giải để ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình tiếp diễn, đồng thời báo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã để xử lý theo quy định pháp luật hiện hành.
Hòa giải sau khi đã xử lý bạo lực gia đình.
Sau khi đã xử lý các đối tượng liên quan đến vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, các hoạt động hòa giải sau xử lý được thực hiện theo trình tự hòa giải trong gia đình, dòng họ, nếu hòa giải không thành thì thực hiện hòa giải do cơ quan, tổ chức hoặc hòa giải cơ sở để hóa giải các mâu thuẫn, tranh chấp và ngăn chặn phát sinh bạo lực gia đình.
Điểm mới là trong Dự thảo là hòa giải ngăn chặn bạo lực gia đình, có nghĩa là khi bạo lực gia đình xảy ra, vẫn cần phải hòa giải, hòa giải ở đây không thay cho biện phaps xử lý, mà hòa giải để ngăn cho BLGĐ không tiếp tục diễn ra. Ngoài ra còn quy định “Hòa giải sau khi đã xử lý bạo lực gia đình”, nhằm tiếp tục hóa giải các mâu thuẫn, tranh chấp và ngăn chặn phát sinh bạo lực gia đình ở chu kỳ tiếp theo.