Bạo lực gia đình (BLGĐ) là một vấn đề xã hội, do vậy cần bổ sung các biện pháp mang tính xã hội đối với hành vi BLGĐ. Thực tiễn gần 15 năm thi hành Luật cũng cho thấy các biện pháp xử lý hành vi BLGĐ, đặc biệt là phạt tiền là chưa hiệu quả.
Dự thảo Luật PCBLGĐ bổ sung quy định “Yêu cầu người có hành vi BLGĐ đến trụ sở Công an cấp xã”. Việc yêu cầu người có hành vi BLGĐ đến trụ sở Công an cấp xã không chỉ là biện pháp ngăn chặn mà còn là biện pháp bảo vệ người bị BLGĐ, phòng ngừa bạo lực tiếp diễn.
Với quan điểm cần phải có biện pháp phù hợp để xử lý các hành vi BLGĐ chưa đến mức xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn có tính răn đe, giáo dục thì bổ sung một biện pháp mang tính xã hội phục vụ lợi ích cộng đồng và theo nhu cầu của cộng đồng là cần thiết. Đồng thời, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế và rà soát tính tương thích với các điều ước quốc tế, “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” có thể coi là biện pháp mạnh mẽ có tính răn đe và giáo dục cao trong phòng, chống BLGĐ, không trái với các công ước, điều ước quốc tế về lao động cưỡng bức (Công ước số 29 về Lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc và Công ước số 105 về Xoá bỏ lao động cưỡng bức của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Bên cạnh những nội dung nói trên, Luật PCBLGĐ cũng cần chỉnh lý, sửa đổi các nội dung khác để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam hiện nay.