Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều triển khai các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trong đó có các nội dung phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, lâm nghiệp, chế biến) và các hoạt động sản xuất ngành nghề nông thôn.Trong những năm qua, thông qua chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã hỗ trợ cho gần 3,0 triệu lao động nông thôn học các nghề nông nghiệp. Hệ thống khuyến nông tham gia tập huấn được 1.609 lớp cho 9.800 lượt nông dân. Đào tạo, nâng cao năng lực cho 550 cán bộ xây dựng nông thôn mới và 28.618 lượt cán bộ quản lý cấp tỉnh, huyện, xã thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Đội ngũ lao động qua đào tạo đã nâng cao nhận thức, áp dụng kiến thức vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa, tuân thủ quy trình kỹ thuật an toàn và cải thiện chất lượng nông sản, góp phần nâng cao giá trị sản lượng trên một đơn vị diện tích. Giai đoạn 2010-2019: Trồng trọt tăng từ 54,6 triệu đồng/ha lên 91,9 triệu đồng/ha, bằng 2,9%/năm; nuôi trồng thủy sản tăng từ 103,8 triệu đồng/ha lên 226,3 triệu đồng/ha, bằng 5,4%/năm; Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 5,95%/năm, chăn nuôi là 5,2%/năm. Tốc độ tăng suất lao động của ngành đạt 3,5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16,64 triệu đồng năm 2010 lên 39,3 triệu đồng vào năm 2019.
Bộ Nông nghiệp và PTNT thành lập Ban Chỉ đạo đào tạo nghề nông nghiệp của Bộ do 01 đồng chí Lãnh đạo Bộ làm Trưởng ban, các thành viên là các đơn vị có liên quan và 7 trường đào tạo nghề tại 7 vùng trong cả nước. Đã phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xây dựng chính sách trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quyết định (Quyết định số 971/QĐ- TTg; Quyết định số 46/QĐ-TTg); xây dựng kế hoạch và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát và đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng các chương trình phối hợp với các ban, bộ ngành có liên quan, phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về kết quả triển khai thực hiện.
Về tăng cường các hoạt động hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ, chế biến sản phẩm để hỗ trợ các gia đình phát triển kinh tế gia đình và triển khai các nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong Đề án về công tác an sinh xã hội giai đoạn 2012 –2020: Kết quả hỗ trợ phát triển sản xuất từ Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 3/8/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (sau đây gọi tắt là Chương trình 30a): Tổng hợp báo cáo tổng kết từ 20 tỉnh (có 47 huyện nghèo) cho thấy kết quả hỗ trợ phát triển sản xuất từ Chương trình 30a trong hơn 10 năm qua đã làm thay đổi diện mạo sản xuất nông nghiệp (bao gồm nông, lâm, ngư nghiệp) của các địa phương này như: chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, chọn giống cây trồng vật nuôi, phương thức canh tác, chăm sóc, bảo vệ rừng ngày càng được cải thiện.
Nhiều người nghèo, hộ nghèo đã được tập huấn các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phát triển ngành nghề, được tiếp cận với các kiến thức, khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào thực tế, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và giá trị cao hơn để thay thế cho các giống cũ, phương thức canh tác, nuôi trồng cũ, năng suất thấp ở địa phương.
Số lượng đàn gia súc đã tăng lên, phù hợp với nguyện vọng của người dân. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 3.416.065 triệu đồng năm 2009 lên 10.959.290 triệu đồng năm 2019. Cơ cấu sản xuất thay đổi tăng từ 60% năm 2009 lên 81% năm 2019, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa như chuyên canh về cây ăn quả, chè, chăn nuôi trâu bò, cây dược liệu… Nhiều việc làm đã được tạo ra cho người nghèo, đời sống của người dân, nhất là người nghèo đã từng bước được cải thiện. Tỷ lệ nghèo đói bình quân giảm khoảng 5%/huyện/năm (Trạm Tấu 6.5%/năm, Mù Căng Chải 5,4%/năm). Thu nhập bình quân của người dân tại huyện nghèo tăng từ 8 triệu đồng/người/năm 2009 lên 21 triệu đồng/người/năm 2019.
Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020.
Từ năm 2016 đến năm 2019 đã có trên 1.522 nghìn hộ gia đình được hỗ trợ. Trong đó, tổng số hộ được hỗ trợ năm 2016 là 457 nghìn hộ, năm 2017 là gần 340 nghìn hộ, năm 2018 là trên 508 nghìn hộ và năm 2019 là trên 217 nghìn hộ. Đã có tổng số14.825 dự án giảm nghèo được triển khai. Trong đó, số dự án được triển khai năm 2016 là 1.907 dự án, năm 2017 là 2.355 dự án, năm 2018 có 6.256 dự án, năm 2019 là 4.307 dự án. Các dự án tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp vào các nội dung cụ thể: dự án trồng trọt; dự án chăn nuôi; dự án nuôi trồng thủy sản; dự án hỗ trợ mua máy móc thiết bị, dụng cụ phục vụ sản xuất; dự án hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn, đào tạo, tham quan học hỏi kinh nghiệm.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được thì công tác đào tạo, tập huấn ở một số nơi vẫn còn chạy theo số lượng, chất lượng đã được nâng lên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nông nghiệp hiện đại. Tài liệu giảng dạy, hệ thống giáo viên giảng dạy còn thiếu trực quan sinh động, thực tiễn.