Ngày 17 tháng 11 năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành văn bản số 7727/BNN-PC gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc góp ý dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cơ bản nhất trí với các dự thảo; tuy nhiên để hoàn thiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉnh sửa một số góp ý, cụ thể như sau:
Tại Điều 3, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, quy định việc giải thích đối với những thuật ngữ được sử dụng nhiều lần hoặc cần thống nhất cách
hiểu, cách áp dụng tại dự thảo Luật; đề nghị bổ sung giải thích thuật ngữ “định kiến giới” hoặc dẫn chiếu tới văn bản quy định; một số cụm từ cần xem xét
đảm bảo tính minh bạch như “Người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình là người có một trong các biểu hiện sau” tại khoản 6, “Dung túng, bao che bạo lực gia đình được hiểu là một trong các hành vi sau đây” tại khoản 11…
Đề nghị bỏ cụm từ “hành hạ” tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật. Lý do: “đánh đập”, “lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm”… là một trong những hình thức biểu hiện của hành vi “hành hạ”.
Khoản 7 Điều 5 đề nghị quy định tại các văn bản xử lý vi phạm về phòng, chống bạo lực gia đình theo pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính hoặc pháp luật về hình sự.
Điều 7 quy định về chính sách của nhà nước trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, do đó đề nghị xem lại quy định tại khoản 5, khoản 6 cho phù hợp. Nội dung khoản 6 đã được quy định tại Điều 69 dự thảo Luật, ngoài ra có thể quy định tại trách nhiệm của các ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an…
Điều 25, đề nghị xem xét bổ sung nguyên tắc hòa giải phù hợp với đối tượng, nội dung hòa giải; khoản 3 đề nghị quy định rõ nội dung nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân hỗ trợ để hoạt động hòa giải có hiệu quả.
Khoản 2 Điều 32 quy định các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, do đó đề nghị sửa quy định tại điểm a để đảm bảo phù hợp.
Khoản 1 Điều 79 đề nghị bổ sung cụm từ “có hiệu lực” sau cụm từ “pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình”.
Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, đảm bảo thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật; không dùng các từ, cụm từ tiếng nước ngoài như “game”, “internet”…