Các quan hệ hôn nhân và gia đình ảnh hưởng nặng nề tư tưởng nho giáo. Nho giáo trở thành tư tương thống trị trong xã hội. Một trong những mối quan hệ cơ bản quan trọng nhất trong xã hội là quan hệ phu phụ (vợ chồng). Pháp luật nhà Lê đã quy định những quyền cơ bản của nghĩa vụ vợ và chồng như: Nghĩa vụ đồng cư, nghĩa vụ phù trợ, nghĩa vụ trung thành và nghĩa vụ tòng phu. Nghĩa vụ chung thủy đặt ra giữa người vợ và người chồng mang tính chất tương đối vì trong thời gian này người chồng vẫn có quyền đa thê. Nhưng bên cạnh đó Điều 401 của bộ Luật quy định: “Gian dâm với vợ kẻ khác bị lưu hoặc chết, với vợ lẽ (thiếp) của người khác thì tội giảm một bực tội, với người có quyền quý thì xử riêng. Kẻ phạm tội phải nộp tiền tạ lỗi như luật định. Vợ lớn vợ bé phạm tội điều xử lưu, điền sản trả lại cho người chồng. Nếu vợ chưa cưới thì cả hai điều được giảm một bực”. Đồng thời tại Điều 405 quy định: “Ngoại tình với vợ người khác thì xử đánh 60 trượng, biếm hai xa thì xử riêng”. Người vợ có hành vi dâm đãng bị coi là phạm vào “thất xuất” để người chồng ly hôn. Mặt khác theo tập quán lúc bấy giờ thì những người phụ nữ không đoan chính bị kỳ thị và trừng trị rất tàn ác.
Trong giai đoạn này nghĩa vụ chung thủy của cả người vợ và chồng cũng được pháp luật quy định, nhưng chỉ mang tính chất tương đối với người chồng.
Trong đời sống vợ chồng nguyên tắc chung thủy, nghĩa tình là nguyên tắc luôn có mối quan hệ khăng khít với nhau, chung thủy là cơ sở cho nghĩa tình và nghĩa tình càng làm cho sự chung thủy sắt son hơn.
Thời kỳ phong kiến, quan hệ hôn nhân được hình thành chủ yếu do cha mẹ, họ hàng hai bên sắp đặt, không xuất phát từ tình cảm, tình yêu đôi lứa. Thời kỳ đó vợ chồng đối xử với nhau mang nặng tình nghĩa, chứ yếu tố chung thủy ít được đề cao, vì thời kỳ đó hai từ “chung thủy” thường chỉ nhắc đến cho người phụ nữ, người vợ:
“Trai anh hùng năm thê, bảy thiếp
Gái chính chuyên chỉ có một chồng”
Tuy nghĩa vụ chung thủy không được quy định và không được đối xử công bằng giữa nam và nữ, nhưng với tư tưởng nho giáo, gia giáo phong kiến, trong gia đình các thành viên luôn đối xử tình nghĩa với nhau để có một gia đình hòa thuận, yên vui. Tuy nhiên sự chung thủy không đầy đủ ấy đã ít nhiều làm ảnh hưởng đến việc ứng xử tình nghĩa tình của vợ chồng sau này.
Sau thời kỳ phong kiến, hôn nhân được thực hiện trên cơ sở tiến bộ một vợ, một chồng (được quy định hầu hết trong các văn bản Luật hôn nhân và gia đình). Hôn nhân được hình thành chủ yếu xuất phát từ tình cảm và tình yêu đôi lứa, về lý luận và thực tiễn thì mối quan hệ hôn nhân này sẽ là nền tảng cho sự bền vững, bền chặt hơn, bởi lẽ:
Sự chung thủy đã được quy định rõ cho cả vợ và chồng, thời kỳ trai năm thê, bảy thiếp không còn nữa, thay vào đó là chế độ một vợ, một chồng. Vợ chồng có quyền và nghĩa vụ với nhau về mọi mặt. Thông thường ở mọi thời kỳ thì chung thủy là cái nền, cái gốc cho nghĩa tình, vì chỉ có chung thủy có nghĩa là mỗi người nam hoặc nữ chỉ có duy nhất một người khác giới là bạn tình, bạn đời thì tình nghĩa đối với nhau sâu đậm hơn.
Chung thủy thường được xem và chú ý ở thời kỳ đầu của hôn nhân cho tới khi đến tuổi trung niên, vì trong thời kỳ này, vợ, chồng còn trẻ, khỏe, có nhiều mối quan hệ và suy nghĩ chưa chín chắn nên thường có những dao động, xao xuyến, quan hệ với người khác giới ngoài chồng, vợ, ảnh hưởng rất lớn về tình nghĩa vợ chồng. Vợ chồng tránh được sai lầm về sự thủy chung trong thời kỳ này thì sẽ tạo nên nền tảng vững chắc cho ứng xử tình nghĩa giai của đoạn sau.
Từ giai đoạn trung niên trở đi, kèm theo về sự tăng lên của tuổi tác, nhan sắc và sức khỏe cũng giảm, đồng thời trong gia đình ngày càng có nhiều việc phải lo toan, phải cộng đồng trách nhiệm để giải quyết công việc đã tạo nên cho con người gắn bó, đoàn kết hơn, cần sự chăm lo ân cần hơn của các thành viên trong gia đình với nhau, đặc biệt là của vợ và chồng, trong đó có việc chăm sóc cho nhau lúc tuổi già. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xã hội ngày càng hiện đại, phần lớn các con thường tách ra ở riêng và bận rộn với công việc nên ít có điều kiện ở bên bố, mẹ và được chăm sóc thường xuyên cho bố mẹ, thì việc vợ chồng tình nghĩa chăm sóc cho nhau lúc tuổi già càng có thêm nhiều ý nghĩa. Tục ngữ, ca dao thường có câu “Con chăm cha, không bằng bà chăm ông”. Trong thực tế cuộc sống đã có rất nhiều câu chuyện cảm động về vợ chồng chăm sóc nhau khi sinh đẻ, ốm đau và các hoàn cảnh éo le khác. Những tình nghĩa sâu đậm ấy càng làm sâu sắc, sắt son về sự chung thủy của vợ chồng, và là những hình ảnh đẹp, tấm gương sáng cho cháu con suy ngẫm và học tập. Để củng cố và làm sâu sắc hơn về sự chung thủy và nghĩa tình của vợ, chồng, Luật hôn nhân và gia đình của Nhà nước ta đã có những quy định rất cụ thể về sự chung thủy (một vợ, một chồng), là cơ sở cho việc cư xử nghĩa tình, đảm bảo ngày càng làm sâu sắc hơn cho nguyên tắc này.