Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong lĩnh vực bình đẳng giới, đây là năm đẩy mạnh triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 và các chương trình liên quan tới bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030.
Để triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất, hiệu quả công tác bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong phạm vi toàn quốc, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là bộ, ngành, địa phương) chỉ đạo các đơn vị chức năng, Sở LĐTBXH phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 như sau:
Thực hiện tổng kết 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới: Rà soát, thu thập số liệu, thông tin trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương quản lý để phục vụ đánh giá 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới, xác định kết quả, thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; đề xuất những nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung trong Luật Bình đẳng giới để hoàn thiện và đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện. Chỉ đạo đơn vị đầu mối của bộ, ngành, địa phương phối hợp thực hiện điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, số liệu phục vụ tổng kết 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới khi được yêu cầu. Xây dựng Báo cáo tổng kết 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới theo hướng dẫn của Bộ LĐTBXH.
Triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025, Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030: Chủ động triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược và các Chương trình tại bộ, ngành, địa phương. Rà soát, đánh giá các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, nhân rộng mô hình ở những địa bàn, lĩnh vực còn tình trạng bất bình đẳng giới hoặc nguy cơ xảy ra bạo lực trên cơ sở giới. Phối hợp xây dựng và triển khai Đề án thí điểm Tổng đài điện thoại quốc gia hỗ trợ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bình đẳng giới: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở trung ương, địa phương và hệ thống thông tin cơ sở; tăng cường ứng dụng, khai thác lợi thế của công nghệ thông tin và các loại hình truyền thông trên nền tảng số; khuyến khích phát triển, xuất bản các sản phẩm truyền thông bằng tiếng dân tộc thiểu số, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng cụ thể. Tăng cường, đa dạng hoá các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới trong các tầng lớp Nhân dân; tăng cường tuyên truyền, giới thiệu về các mô hình, dịch vụ hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới tại địa phương.
Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới và công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ.