Ngày 19 tháng 10 năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản số 7166/BKHĐT-LĐVX gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc góp ý dự thảo các văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực gia đình.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có một số góp ý đối với các dự thảo văn bản như sau:
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị đóng góp ý kiến vào 04 dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: (i) Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; (ii) Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; (iii) Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới; (iv) Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030. Tuy nhiên, hồ sơ kèm theo văn bản số 3719/BVHTTDL-GĐ chưa có các Tờ trình, báo cáo đánh giá hiện trạng; báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2012); báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực giai đình đến năm 2020 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2014),.. vì vậy chưa có căn cứ, thông tin để tham gia ý kiến cụ thể về sự cần thiết phải ban hành cũng như nội dung các dự thảo Quyết định này.
Về Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới: Mục đích kế hoạch của Chính phủ nhằm cụ thể hóa và chi tiết các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện hàng năm, vì thế cần xác định rõ mục đích, chỉ tiêu cụ thể của Kế hoạch trong từng năm, từng giai đoạn, không đưa ra mục đích chung như tại Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư; Nhiệm vụ, giải pháp tại phần phụ lục các văn bản đề án, chương trình thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW dự kiến xây dựng 03 Chương trình để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành (Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong giai đình đến năm 2030; Chương trình quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới; Chương trình giáo dục quốc gia về gia đình), đề nghị tiếp tục ra soát để tránh trùng lắp về nội dung chương trình, chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan trung ương thực hiện chương trình; xem xét lồng ghép để giảm số lượng chương trình, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, bảo đảm tính hiệu quả và khả thi của các chương trình được ban hành.
Về dự thảo Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 (gọi tắt là Chiến lược). Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2012 với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và các đề án cần thực hiện. Đến nay chưa được tổng kết đánh giá những kết quả đạt được, những mục tiêu, chỉ tiêu đã hoàn thành, những nội dung của chiến lược cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới,.. vì thế chưa thể hiện được tính kế thừa, nối tiếp và tính khả thi khi xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030. Mục tiêu, chi tiêu: Các chi tiêu trong dự thảo Chiến lược cần thống nhất về ý nghĩa, nội hàm đánh giá, phương pháp và cách thức tính toán giữa các giai đoạn để có thể so sánh, kiểm điểm tình hình thực hiện. Chương trình, đề án thực hiện Chiến lược: cần làm rõ căn cứ đề xuất xây dựng 03 chương trình và 02 để án; làm rõ các chương trình và đề án này sẽ thực hiện nhiệm vụ gì, giải quyết mục tiêu nào, chi tiêu nào của Chiến lược.
Về dự thảo các chương trình: Dự thảo Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 dự kiến xây dựng 03 chương trình (trong đó Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch chủ trì xây dựng và thực hiện 02 chương trình; Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng và thực hiện Chương trình giáo dục quốc gia về gia đình). Trong khi Chiến lược chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa thống nhất xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể… nên chưa có căn cứ để xây dựng các chương trình. Trước mắt, đề nghị tập trung đánh giá việc thực hiện Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 và chương trình, đề án, dự án khác có liên quan đến lĩnh vực gia đình để xác định chính xác các nhiệm vụ cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.