Trong thời gian qua, việc thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trong toàn ngành Giáo dục đã đạt được những kết quả nhất định. Nhận thức của các cán bộ quản lý, công chức, viên chức, người lao động, nhà giáo và người học về xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, xây dựng và phát huy những giá trị đạo đức, lối sống trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình từng bước được nâng lên; thông qua các nội dung và hình thức tuyên truyền, giáo dục đã góp phần nâng cao hiệu quả việc thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, xây dựng nếp sống văn minh, hành vi, lối sống, ứng xử có văn hóa, đạo đức trong gia đình, giảm thiểu đáng kể tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình; các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em trong gia đình được nhà trường, các tổ chức chính trị – xã hội can thiệp, hỗ trợ và giải quyết kịp thời.
Các sở giáo dục và đào tạo và các cơ sở giáo dục đại học cơ bản đã ban hành kế hoạch triển khai theo chỉ đạo hàng năm: 100% sở giáo dục và đào tạo, các trường đào tạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật giáo dục chuyển đối hành vi về xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, giáo dục đạo đức, lối sống và phòng, chống bạo lực gia đình. Trên 90% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được tiếp cận thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình, nắm bắt được các khái niệm về hành vi xây dựng gia đình; hành vi phòng, chống bạo lực gia đình; các nội dung và hình thức giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; từ đó đưa vào thực hiện trong các giờ lên lớp một cách hiệu quả, phù hợp (qua giáo dục lồng ghép, tích hợp), trong hoạt động ngoài giờ lên lớp, các hoạt động phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Trên 85% người học được tiếp cận với các kiến thức về vai trò, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình; các kiến thức về kỹ năng ứng xử, kỹ năng làm cha, làm mẹ, làm con cháu trong xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; các giá trị về gia đình, mối quan hệ giữa các cá nhân, gia đình và xã hội, các hành vi đạo đức, lối sống phù hợp, chuẩn mực trong gia đình thông qua các tiết học trên lớp, các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các hoạt động truyền thông.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình vẫn còn một số hạn chế nhất định như: Các yếu tố tiêu cực trong xã hội có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của đại đa số gia đình Việt Nam, dẫn đến những tác động đối với học sinh, sinh viên. Một bộ phận cha mẹ học sinh chưa có sự quan tâm phối hợp với nhà trường trong công tác giáo dục con. Kỹ năng làm cha mẹ của một số bộ phận cha mẹ còn hạn chế. Kinh phí triển khai các nhiệm vụ về giáo dục gia đình trong ngành Giáo dục còn hạn chế.