Ngày 25 tháng 8 năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã xây dựng Báo cáo số 195/BC-UBND về việc Báo cáo tổng kết triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về Phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020
Theo Báo cáo, Kết quả đạt được theo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao giao về tỷ lệ hộ gia đình được tiếp cận thông tin phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) đạt 96%; Tỷ lệ cán bộ tham gia PCBLGĐ các cấp được tập huấn nâng cao năng lực PCBLĐ đạt 100%; Tỷ lệ lãnh đạo chính quyền, đoàn thể cấp xã được tập huấn nâng cao năng lực PCBLGĐ đạt 100%; Số lượng báo cáo viên về PCBLGĐ của tỉnh 5 người; Tỷ lệ nạn nhân bạo lực gia đình (BLGĐ) được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa BLGĐ, tư vấn pháp lý, chăm sóc y tế, bảo vệ sự an toàn cho nạn nhân đạt 95%; Tỷ lệ người có hành vi BLGĐ được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa, giáo dục chuyển đổi hành vi đạt 95% và Tỷ lệ số xã, phường, thị trấn nhân rộng mô hình PCBLGĐ (Số xã/phường/thị trấn có Mô hình PCBLGĐ /tổng số xã/phường/thị trấn trên địa bàn cấp tỉnh đạt 100% và Số xã/phường/thị trấn có Mô hình PCBLGĐ theo hướng dẫn của Bộ VHTTDL/tổng số xã/phường/thị trấn có các Mô hình có nội dung hoạt động về PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh đạt 84,67%).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình còn một số hạn chế như:
Một số cấp ủy, chính quyền các cấp thiếu sự quan tâm chỉ đạo sâu sát nên việc triển khai công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình chưa đạt hiệu quả cao. Công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể ở một số địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống, bạo lực gia đình và các văn bản có liên quan chưa thường xuyên, nội dung và hình thức chưa phong phú. Kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình từ cấp huyện đến cơ sở chưa được các cấp, các ngành quan tâm và đầu tư đúng mức. Do kinh phí công tác gia đình còn hạn chế nên khó khăn trong triển khai thực hiện các hoạt động về gia đình, đặc biệt mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở các xã, phường, thị trấn. Tình hình tổ chức bộ máy, quản lý công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình các cấp tại địa phương chưa thật sự ổn định, còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa có cán bộ chuyên trách công tác gia đình ở cấp huyện, cấp xã mà chủ yếu là kiêm nhiệm và bị chi phối nhiều bởi các lĩnh vực công tác khác nên chất lượng, hiệu quả triển khai công việc chưa cao; ở cơ sở chưa có đội ngũ cộng tác viên cho công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình nên việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình gặp nhiều khó khăn. Hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác gia đình ở một số địa phương còn lúng túng trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp để chỉ đạo thực hiện hàng năm. Chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Công tác thống kê số liệu về bạo lực gia đình ở cơ sở còn rất khó khăn do chưa có đội ngũ cộng tác viên trong điều tra, thu thập số liệu về gia đình do đó ảnh hưởng đến chất lượng nội dung báo cáo theo quy định. Việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình chưa kịp thời; công tác tư vấn, giải quyết mâu thuẫn trong gia đình theo pháp luật còn hạn chế.