Ngày 15 tháng 5 năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có báo cáo số 95/BC-BCĐ về việc Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư “về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”
Chỉ thị số 49-CT/TW ra đời phù hợp với xu thế thời đại, được các cấp, các ngành hưởng ứng và Nhân dân đồng tình ủng hộ. Nội dung của Chỉ thị phù hợp với đạo lý, truyền thống của dân tộc, đáp ứng nguyện vọng và các nhu cầu cơ bản của các gia đình đặc biệt là gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Từ đó đã tạo thêm tình cảm và sức mạnh tổng hợp trong quá trình thực hiện các nội dung của Chỉ thị.
Việc lồng ghép thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, công tác giảm nghèo và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, thúc đẩy toàn xã hội tham gia xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Chỉ thị 49-CT/TW đã có tác động và làm thay đổi cuộc sống tinh thần, vật chất của đa số gia đình. Nhiều gia đình có điều kiện tốt hơn để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, xây dựng gia đình khá giả, hạnh phúc. Nhiều hộ đã thoát được nghèo, mức sống được nâng lên. Việc giáo dục truyền thống gia đình, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, chăm sóc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ được tăng cường; việc thực hiện nếp sống mới, giữ gìn vệ sinh môi trường, phát huy tình làng nghĩa xóm được đông đảo người dân chú trọng và đồng tình hưởng ứng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình vẫn còn một số hạn chế nhất định như:
Một số cấp ủy, chính quyền thiếu sự quan tâm chỉ đạo sâu sát nên việc triển khai thực hiện còn mang tính hình thức. Công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể ở một số địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chưa thường xuyên, nội dung và hình thức chưa phong phú.
Kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình từ cấp huyện đến cơ sở chưa được các cấp, các ngành quan tâm và đầu tư đúng mức. Do kinh phí công tác gia đình còn hạn chế nên khó khăn trong triển khai thực hiện các hoạt động về gia đình, đặc biệt mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở các xã, phường, thị trấn.
Tình hình tổ chức bộ máy, quản lý công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình các cấp tại địa phương chưa thật sự ổn định, còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa có cán bộ chuyên trách công tác gia đình ở cấp huyện, cấp xã mà chủ yếu là kiêm nhiệm và bị chi phối nhiều bởi các lĩnh vực công tác khác nên chất lượng, hiệu quả triển khai công việc chưa cao; ở cơ sở chưa có đội ngũ cộng tác viên cho công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình nên việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình gặp nhiều khó khăn.
Hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác gia đình ở một số địa phương còn lúng túng trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp để chỉ đạo thực hiện hàng năm. Chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; công tác tư vấn, giải quyết mâu thuẫn trong gia đình theo pháp luật còn hạn chế.