Ngày 07 tháng 9 năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận đã xây dựng Báo cáo số 2175/BC-SVHTTDL về việc tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam” giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
Trong 10 năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai các hoạt động thực hiện Đề án tại cơ sở; tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Đề án và khen thưởng cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai, thực hiện Đề án. Phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh và Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh sử dụng nguồn kinh phí của Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt” xây dựng chuyên mục “Mái ấm Gia đình” (nay là “Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình”) trên sóng phát thanh phát sóng định kỳ chủ nhật hàng tuần (48 chuyên đề trong năm). Từ năm 2011 đến nay, chuyên mục đã phát thanh được 395 chuyên đề với nội dung tập trung tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống, ứng xử trong gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, những nội dung thời sự kịp thời phản ánh trong công tác gia đình.
Hàng năm, đều lồng ghép tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về gia đình và phòng chống bạo lực gia đình cho thành viên Ban quản lý “Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020” trên toàn tỉnh, đặc biệt là xã điểm Bình Tân và 10 khu phố được nhân rộng Đề án của thị xã La Gi với số lượng 25 lớp cho 2.225 cán bộ làm công tác gia đình; hướng dẫn và cung cấp tài liệu tuyên truyền trên Đài truyền thanh phường, tuyên truyền, giáo dục thông qua sinh hoạt tổ dân phố cho Ban quản lý Đề án.
Các đơn vị trực thuộc Sở tuyên truyền giáo dục về đạo đức, lối sống, ứng xử trong gia đình, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, ngày Gia đình Việt Nam và các nội dung liên quan đến công tác gia đình trong các buổi sinh hoạt tại cơ quan; đồng thời căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị tổ chức nhiều hoạt động, xây dựng các tiết mục nghệ thuật với nội dung
có liên quan đến công tác gia đình lồng ghép vào các chương trình biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị. Thư viện tỉnh chọn lọc và trưng bày 500 tài liệu có nội dung xây dựng gia đình hạnh phúc tại các phòng đọc, phòng mượn phục vụ độc giả.
Các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện lồng ghép nội dung hoạt động của Đề án vào các kế hoạch triển khai công tác gia đình hàng năm. Thực hiện công tác tuyên truyền trên Đài truyền thanh, băng rôn, pa nô và trong sinh hoạt thôn, khu phố văn hoá của xã, phường, thị trấn về nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, các kỹ năng làm cha mẹ, ứng xử trong gia đình, nêu gương điển hình gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc tại địa bàn dân cư. Các mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình tiếp tục được củng cố nâng cao chất lượng sinh hoạt, tập trung tuyên truyền, giáo dục nuôi dạy con, giữ gìn hạnh phúc gia đình, phát triển kinh tế gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình đã góp phần hiệu quả trong thực hiện Đề án.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến “Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020” và các văn bản pháp luật có liên quan đến gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trong các kỳ họp của cơ quan, sinh hoạt của đoàn thể cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động biết, thực hiện. Các sở, ngành lồng ghép nội dung thực hiện “Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020” trong Kế hoạch triển khai thực hiện công tác gia đình, Ngày Quốc tế Hạnh phúc, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình và ngày Gia đình Việt Nam hàng năm. In ấn, phát hành 45.559 tờ rơi, sổ tay, sách hướng dẫn về tuyên truyền
công tác gia đình và cấp 140 đĩa CD tuyên truyền nhân Ngày Gia đình Việt Nam cho các huyện, thị xã, thành phố; nhân bản 412 đĩa CD tuyên tuyền do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát hành; xây dựng 16 bản pano tuyên tuyền trực quan về “Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của toàn xã hội. Cung cấp các tài liệu về giáo dục đời sống gia đình, nội dung cơ bản của Luật Bình đẳng giới, hỏi đáp về giới và pháp luật về bình đẳng giới, tờ gấp xử phạt vi phạm hành chính trong bình đẳng giới do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ đến cơ sở.
Hiện nay, có 11 mô hình được duy trì tại 11 khu phố thuộc phường Bình Tân thị xã La Gi từ năm 2010 đến nay và mở rộng thêm 4 mô hình trên toàn tỉnh theo kế hoạch mở rộng mỗi địa phương chọn 01 địa bàn để triển khai từ năm 2014. Đến nay, đã có 04/10 huyện thành phố thành lập Ban quản lý “Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020” (Hàm Thuận Nam, La Gi, Phú Quý và thành phố Phan Thiết). Toàn tỉnh hiện có 105/124 xã, phường, thị trấn có Ban Chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình, 364 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 274 “Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình”, 381 “Địa chỉ tin cậy” và 941 “Đường dây nóng” trong mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng. Các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã củng cố, duy trì có hiệu quả 1.556 tổ hoà giải/609 thôn, khu phố trong toàn tỉnh. Hàng năm định kỳ tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động của Đề án nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án.
Bên cạnh những kết quả đạt được của Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam còn những khó khăn, hạn chế như: Kinh phí thực hiện Đề án không có vì vậy công tác triển khai các hoạt động của Đề án chưa đáp ứng theo yêu cầu kế hoạch đề ra. Một số huyện chưa quan tâm triển khai Đề án theo chủ trương của tỉnh. Tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền còn thiếu, trong khi đó trình độ của cán bộ cơ sở chưa đồng đều, nghiệp vụ tuyên truyền còn yếu mặc dù hàng năm tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, kiểm tra giám sát nhằm hướng dẫn giúp đỡ về mặc chuyên môn nghiệp vụ.