Sở đã triển khai mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại địa bàn 07 xã: Lộc An, Lộc Phú, Lộc Thịnh (huyện Lộc Ninh), Phước An, Đồng Nơ (huyện Hớn Quản), Phước Sơn, Đoàn Kết (huyện Bù Đăng) triển khai Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình tại phường Tân Đồng, thành phố Đồng Xoài và xã Thanh Lương, thị xã Bình Long.
Tại các địa bàn triển khai mô hình phòng, chống bạo lực gia đình và Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, Sở đã tổ chức tập huấn cho lãnh đạo, các ngành cấp xã; Trưởng Ban Điều hành, Trưởng Ban Mặt trận, Chi hội trưởng hội Liên hiệp phụ nữ, Công an viên, Bí thư chi đoàn các thôn, ấp, khu phố. Nội dung tập huấn Mô hình chủ yếu gồm: Các bước triển khai mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; kỹ năng nhận diện hành vi bạo lực gia đình; kỹ năng tư vấn và trình tự xử lý các vụ bạo lực gia đình. Nội dung tập huấn Đề án gồm: Kỹ năng sinh hoạt Câu lạc bộ tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình; các giá trị văn hóa gia đình truyền thống và hiện đại; kỹ năng tư vấn và trình tự xử lý các vụ bạo lực gia đình.
Ở mỗi thôn, ấp, khu phố các địa bàn triển khai Mô hình thành lập 01 câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững (đối với các địa bàn triển khai Đề án là câu lạc bộ tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình), mỗi câu lạc bộ có khoảng 20 – 50 cặp vợ chồng tự nguyện tham gia sinh hoạt. UBND cấp xã ra quyết định thành lập Câu lạc bộ, đồng thời ban hành quy chế sinh hoạt Câu lạc bộ. Địa điểm sinh hoạt của Câu lạc bộ linh hoạt tuỳ theo thực tế từng địa bàn triển khai, có thể tại trụ sở nhà văn hoá xã/phường, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà thành viên Ban chủ nhiệm hoặc nhà các thành viên Câu lạc bộ… Mỗi ấp thành lập 01 Nhóm xung kích phòng, chống bạo lực gia đình có từ 5 đến 7 thành viên do trưởng thôn/ấp hoặc công an viên làm nhóm trưởng chọn từ các thành phần sau: Công an viên, Ban công tác Mặt trận, Hội cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên, nhân viên y tế thôn, ấp.
UBND cấp xã ra quyết định thành lập nhóm xung kích đồng thời ban hành quy chế hoạt động của nhóm xung kích đảm bảo tính hợp pháp. Hiện nay toàn tỉnh có 80 câu lạc bộ và 80 nhóm xung kích trên địa bàn 80/80 thôn, ấp, khu phố thuộc 9 xã, phường, thị trấn triển khai năm 2019 đã đi vào hoạt động. Đồng thời, các xã cũng tăng cường chuyển tải các thông tin tuyên truyền các nội dung liên quan đến giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình đến các thôn, ấp thông qua các phương tiện truyền thanh.
Sở cũng tổ chức tập huấn nhằm củng cố duy trì mô hình phòng, chống bạo lực gia đình cho các địa bàn đã triển khai trong giai đoạn 2007 – 2010, bao gồm: các xã, thị trấn thuộc thị xã Phước Long; xã Phú Riềng (11 thôn), xã Long Hưng, xã Long Tân, xã Long Hà (huyện Phú Riềng); xã Phú Văn, xã Đức Hạnh (huyện Bù Gia Mập). Trong đó, chú trọng việc kiện toàn Nhóm xung kích phòng, chống bạo lực gia đình nhằm can thiệp kịp thời các vụ bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn.
Đến nay, toàn tỉnh có 71 xã thực hiện mô hình phòng, chống bạo lực gia đình và Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình với 316 Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, 88 Câu lạc bộ Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình (thu hút hơn 20.100 gia đình tham gia) và 316 Nhóm xung kích phòng, chống bạo lực gia đình. Tại các thôn, ấp, khu phố thuộc 111 xã, phường, thị trấn của tỉnh, đã thành lập 409 địa chỉ tin cậy 378 cơ sở tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình. UBND cấp xã và Ban điều hành thôn, ấp, khu phố thiết lập đường dây nóng bằng cách công bố số điện thoại của các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc phòng, chống bạo lực gia đình để nhân dân tại địa bàn biết.