Ngày 29 tháng 4 năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Phước đã xây dựng Báo cáo số 944/BC-SVHTTDL về việc Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư “về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Thông báo Kết luận số 26-TB/TW ngày 09/5/2011 của Ban Bí thư về sơ kết Chỉ thị số 49-CT/TW và tổng kết Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các văn bản đề án về công tác gia đình giai đoạn 2010-2020
Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 49/CT-/TW, công tác gia đình trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và sự phối hợp thực hiện của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân trong tỉnh. Nhìn chung, cấp ủy, chính quyền đã nhận rõ tầm quan trọng của công tác gia đình nên đã đưa vào Nghị quyết, cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch thực hiện và xác định rõ mục tiêu xây dựng “gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc“ là nhiệm vụ quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đơn vị, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức hoạt động nêu trên từng bước đem lại những hiệu quả thiết thực trong cộng đồng, thu hút sự quan tâm của người dân, các hộ gia đình trong việc xây dựng gia đình văn hóa.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đơn vị đã đưa các chỉ tiêu về gia đình và công tác phòng, chống bạo lực gia đình vào quy chế để làm tiêu chuẩn xem xét, đánh giá cán bộ, đảng viên và thi đua khen thưởng hàng năm.
Nội dung công tác gia đình cũng được các địa phương chỉ đạo đưa vào quy ước của khu phố, ấp một cách cụ thể để các hộ gia đình thực hiện qua đó nhận thức của người dân từng bước đã được nâng lên. Hoạt động của các mô hình, đề án lĩnh vực gia đình triển khai trong thời gian qua từng bước đem lại những hiệu quả thiết thực trong cộng đồng, thu hút sự quan tâm của người dân. Các hộ gia đình quan tâm đến việc xây dựng gia đình theo tiêu chí “Gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc“ đã góp phần tích cực trong việc xây dựng gia đình văn hóa, làm nền tảng vững chắc cho phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình vẫn còn một số hạn chế nhất định như:
Tệ nạn xã hội, tình hình bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra ở một số địa phương. Ngoài một số vụ bạo lực gia đình đã được phát hiện, xử lý, vẫn còn bạo lực diễn ra trong nhiều gia đình chưa được phát hiện, giải quyết kịp thời
Công tác tuyên truyền vận động và triển khai Chỉ thị tuy đã được đẩy mạnh nhưng vẫn chưa sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân. Việc tuyên truyền tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, một số gia đình chưa nhận thức hết tầm quan trọng của việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình
Việc thực hiện Luật hôn nhân và gia đình còn nhiều tồn tại, hạn chế như tình trạng kết hôn dưới tuổi pháp luật quy định vẫn còn xảy ra, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực gia đình đã phần nào đi vào cuộc sống nhưng việc áp dụng vào thực tế còn nhiều bất cập.
Hiện nay, mô hình gia đình truyền thống (đa thế hệ) đã có dấu hiệu dần mai một trong đời sống xã hội, nhất là ở đô thị dẫn đến công tác gia đình hiện đang đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu, nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới đang có biểu hiện xuống cấp.
Nhiều vấn đề bức xúc của gia đình chưa được xử lý kịp thời: tình trạng ly hôn, chung sống không kết hôn, quan hệ tình dục trước hôn nhân, phá trai có chiều hướng gia tăng để lại những hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội.