Ban chỉ đạo công tác gia đình tỉnh Bình Dương, xác định công tác tuyên truyền là một trong những nội dung quan trọng của việc triển khai thực hiện công tác gia đình, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Công tác gia đình tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan thành viên, BCĐ các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục phổ biến thông qua các hình thức với nhiều nội dung phong phú, đặc biệt chú trọng tuyên truyền cho người dân vùng sâu, vùng xa. Cụ thể, các sở, ban, ngành liên quan đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền như sau:
Phát hành các loại tài liệu do Trung ương phân bổ gồm: 685 cuốn Giáo dục đời sống gia đình (Phần I, II, III, IV); 520 cuốn Hỏi đáp về Luật phòng, chống bạo lực gia đình và Hỏi đáp về Giới và pháp luật về Bình đẳng giới; 340 cuốn nội dung cơ bản Luật Bình đẳng giới và các văn bản hướng dẫn thi hành; 500 tờ gấp truyền thông về Bình đẳng giới; 100 cuốn sách xanh Gia đình Việt Nam, 65 cuốn tập kịch bản tiểu phẩm sân khấu tuyên truyền PCBLGĐ và các loại đĩa CD tuyên truyền giáo dục, đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam và PCBLGĐ…
Lắp đặt 261panno tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình; thực hiện 16 ngày xe tuyên truyền lưu động và trên 130 băng rôn tuyên truyền trên các đường phố nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3; Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3; Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 và chiến dịch truyền thông về Bình đẳng giới và Phòng, chống bạo lực gia đình nhân Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái 25/11.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã lồng ghép hoạt động công tác gia đình trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đưa tiêu chí đạt Danh hiệu Gia đình văn hóa làm tiêu chuẩn đánh giá, bình xét hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên hàng năm; chú trọng việc biểu dương, nhân rộng mô hình gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong hoạt động công tác gia đình. Cùng với đó, các sở, ban, ngành đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo, xây dựng các mô hình gia đình, ưu tiên vào thực hiện các mục tiêu “Gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc”; tuyên truyền các nội dung về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống tệ nạn xã hội, thương tích trẻ em, xóa bỏ các tập tục lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, tập huấn, hội thi… nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc.
Bình Dương, những năm gần đây, các ngành, các cấp trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu bạo lực gia đình. Theo đó, những nội dung của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã được tuyên truyền dưới mọi hình thức tới các cấp uỷ, chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân. Các buổi tập huấn về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao kỹ năng tư vấn, hoà giải, nhận biết và xử lý bạo lực gia đình cũng được quan tâm tổ chức một cách hấp dẫn, sinh động.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 302 CLB gia đình phát triển bền vững để tập hợp các gia đình ở cùng địa bàn dân cư, nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về phòng, chống bạo lực gia đình, giáo dục các giá trị đạo đức, lối sống, nuôi con khỏe, dạy con ngoan… xây dựng 302 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và 302 tổ hoà giải thực hiện chức năng tư vấn, hòa giải và can thiệp kịp thời các vụ bạo lực gia đình.Với phương châm hướng về cộng đồng và dựa vào cộng đồng trong việc hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, trên địa bàn tỉnh cũng đã thành lập trên 528 địa chỉ tin cậy, tạo điều kiện cho người dân cung cấp thông tin và trực tiếp tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Các ngành Công an, Tư pháp, Hội Phụ nữ các cấp luôn chú trọng phát hiện, hòa giải kịp thời các vụ xung đột, mâu thuẫn trong gia đình, không để tình trạng bạo hành gia đình kéo dài.
Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, Từ năm 2011 đến 6 tháng đầu năm 2015 toàn tỉnh đã xảy ra 1.552 vụ BLGĐ. Qua kết quả thu thập số liệu về gia đình và PCBLGĐ trong 5 năm qua cho thấy tình trạng BLGĐ những năm gần đây (2013, 2014 và 2015) có giảm so với những năm trước, cụ thể: Năm 2013 giảm 95 vụ (21,54%) so với năm 2012; năm 2014 giảm 99 vụ (28,61%) so với năm 2013, năm 2015 giảm 51 vụ (20,64%) so với năm 2014. Nạn nhân các vụ BLGĐ chủ yếu là nữ từ 16 – 59 tuổi và hình thức BLGĐ thân thể chiếm tỷ lệ cao, sau đó là bạo lực tinh thần, kinh tế và tình dục.
Tại Bình Dương, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ). Đặc biệt, với vai trò của cán bộ cơ sở, các tổ chức hội phát huy hiệu quả thông qua biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn. Biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư được áp dụng với nơi xảy ra BLGĐ. Biện pháp này hiệu quả đối với những vụ BLGĐ chưa đến mức độ nguy hại, đây là hình thức tuyên truyền Luật PCBLGĐ hiệu quả.
Nguyên nhân đạt được kết quả trên là do nhận thức và trách nhiệm, sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể của địa phương về công tác gia đình và PCBLGĐ. Nhiều gia đình có sự quan tâm chăm lo đến các thành viên trong gia đình, vai trò của phụ nữ từng bước được tôn trọng và đối xử bình đẳng. Các tổ chức đoàn thể quần chúng đã quan tâm nhiều hơn đến việc hỗ trợ người nghèo, phát triển thành phong trào sâu rộng trong đời sống xã hội. Cơ chế, chính sách của Nhà nước ngày càng được bổ sung hoàn thiện, đã góp phần ổn định cuộc sống và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa nỗ lực vươn lên thoát nghèo và từng bước xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Thời gian tới, Ban chỉ đạo công tác gia đình tỉnh Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất tình trạng bất bình đẳng giới và bạo lực trong gia đình hiện nay. Đồng thời, phát huy các mô hình phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ giải quyết BLGĐ tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm, giải quyết kịp thời, tránh phát sinh vụ việc nghiêm trọng, góp phần xây dựng một xã hội trong sạch và phát triển bền vững.
Nguyễn Văn Cường
Nguồn: sovhttdl.binhduong.vn