Bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng cần hướng đến không chỉ của Việt Nam, mà của các nước trên thế giới, là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của một xã hội. Theo quan niệm của Liên hợp quốc, bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và nam giới được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người, có cơ hội đóng góp cũng như thụ hưởng những thành quả phát triển của quốc gia trên các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Ở Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm từ rất sớm. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (Chánh cương) được thông qua tháng 2/1930) tuy ngắn gọn, chỉ có 282 chữ, nhưng cũng đã đặc biệt nhắc đến nội dung “Thực hiện nam nữ bình quyền”. Thực hiện nam nữ bình đẳng cũng chính là tư tưởng nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh; một mặt, thể hiện sự tôn vinh người phụ nữ và khát vọng giải phóng phụ nữ trong tiến trình cách mạng Việt Nam; mặt khác là “kim chỉ nam” cho thực hiện bình đẳng giới ở nước ta trong thời kỳ mới.
Hiến pháp Việt Nam các thời kỳ đều đã khẳng định nguyên tắc bình đẳng giới, như một cam kết mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam.
Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực ngày 01/7/2007. Luật bao gồm 44 điều được chia thành 6 chương với Mục tiêu bình đẳng giới là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế – xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Điều 5, Luật Bình đẳng giới đã định nghĩa Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Luật đã tạo ra khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ về vấn đề bình đẳng giới, đặc biệt là việc có các quy định để đảm bảo sự thống nhất trong việc thi hành bao gồm những quy định về nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới, chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới, nội dung quản lý nhà nước về bình đẳng giới. Các nguyên tắc này là cơ sở để việc thực hiện công tác bình đẳng giới một cách nhất quán. Cùng với các nguyên tắc này, Luật đã quy định việc bảo đảm bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, bao gồm: chính trị; kinh tế; lao động; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao; y tế; gia đình. Đây cơ sở sở để xây dựng các quy định, chính sách, cũng như tạo điều kiện cho nam, nữ có cơ hội ngang nhau được tham gia, phát huy năng lực, thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển trong các lĩnh vực, cụ thể trong lĩnh vực gia đình, Luật quy định:
1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.
2. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình.
3. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp; sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật.
4. Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển.
5. Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình.
Bên cạnh đó, ngày 24/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2351/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020. Chiến lược có mục tiêu tổng quát là: “Đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”. Cùng với Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản pháp luật, chính sách khác có liên quan thì đây là những căn cứ pháp lý quan trọng cho việc thúc đẩy bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong gia đình nói riêng.