Bình đẳng giới
Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của gia đình, của cộng đồng và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Bình đẳng giới là bình đẳng về pháp luật, về cơ hội và các thành quả tạo ra, bao gồm bình đẳng trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình và xã hội.
Giáo dục bình đẳng giới
Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội nói chung của thế giới. Ở Việt Nam, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về quyền bình đẳng trên lĩnh vực bình đẳng giới như: Luật hôn nhân và gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…mà trọng tâm là Luật bình đẳng giới và thông qua các công ước quốc tế như Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ… nhờ đó mà phụ nữ và trẻ em gái đều được bảo vệ.
Giáo dục về bình đẳng giới nhằm góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành vi của cộng đồng dân cư về giới và bình đẳng giới trong quan hệ đối xử giữa nam và nữ ngay trong cuộc sống gia đình, trên ghế nhà trường, hay trong ứng xử trong xã hội, góp phần vào việc thay đổi nhận thức của xã hội theo hướng tiến bộ về vị trí, vai trò của phụ nữ và giúp họ khẳng định được bản thân mình trong xã hội. Trong đó, giáo dục sớm về bình đẳng giới được chú trọng nhất là ở gia đình- môi trường xã hội hóa đầu tiên của con người
Tuy nhiên, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở một bộ phận dân cư trong xã hội. Ngoài việc hoàn thiện khung pháp lý, thì một trong những biện pháp quan trọng nhất để thay đổi nhận thức về bình đẳng giới chính là giáo dục thay đổi nhận thức. Vậy vấn đề đặt ra là, cần giáo dục về bình đẳng giới từ khi nào và ở đâu để đạt hiệu quả cao nhất? Có nhiều ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh giáo dục bình đẳng giới càng sớm càng tốt, và ngay từ trong môi trường gia đình, bởi “dạy con từ tuổi còn thơ”…