Thực hiện các quy định tại Điều 18 Luật bình đẳng giới (BĐG), các quy định về BĐG trong lĩnh vực gia đình đã được lồng ghép trong các luật chuyên ngành, cụ thể như sau:
– Luật đất đai 2013 đã quy định về quyền có tên của phụ huynh trong giấy chứng nhận quyền sử sụng đất, theo đó quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.
– Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc hạn chế độ tài sản theo thỏa thuận.Thỏa thuận này vẫn có thể được sửa đổi, bổ sung sau khi kết hôn. Quy định này góp phần giảm thiểu sự tranh chấp tài sản sau ly hôn của các cặp vợ chồng trong tình hình hiện nay. Luật cũng quy định bạo lực gia đình là căn cứ để ly hôn, còn đối với những vi phạm khác, những mâu thuẫn, xung đột, bất đồng… trong đời sống vợ chồng, thì phải có cơ sở nhận định chung rằng tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì mới giải quyết ly hôn. Một điểm nữa rất tiến bộ của Luật là cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, điều này đã hỗ trợ rất nhiều những người phụ nữ vì một lý do nào đó không thể mang thai giảm bớt áp lực của gia đình xã hội.
– Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007 đã quy định về phòng ngừa bạo lực gia đình, bảo vệ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, quyền và nghĩa vụ cả nạn nhân cũng như nghĩa vụ của người có hành vi bạo lực gia đình.
– Luật trẻ em năm 2016 đã quy định không phân biệt đối xử đối với trẻ em; cấm hành vi kỳ thị phân biệt đối xử trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính.
Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2020 đã đưa ra mục tiêu về BĐG trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới:
+ Chỉ tiêu 1: Rút ngắn khoảng cách về thời gian tham gia công việc gia đình của nữ so với nam xuống 2 lần vào năm 2015 và xuống 1,5 lần vào năm 2020.
+ Chỉ tiêu 2: Đến năm 2015 đạt 40% và đến năm 2020 đạt 50% số nạn nhân của bạo lực gia đình được phát hiện được tư vấn về pháp lý và sức khỏe, được hỗ trợ và chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình. Đến năm 2015 đạt 70% và đến năm 2020 đạt 85% số người gây bạo lực gia đình được phát hiện được tư vấn tại cơ sở tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình.
+ Chỉ tiêu 3: Đến năm 2015 và duy trì đến năm 2020 có 100% số nạn nhân bị buôn bán trở về thông qua trao trả, được giải cứu, số nạn nhân bị buôn bán tự trở về được phất hiện được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng.