Trong gia đình Việt Nam truyền thống thường có nhiều thế hệ cùng chung sống, vì vậy những phong tục, tập quán dựa trên mối liên hệ huyết thống, từ trực hệ với ông bà đến quan hệ dòng họ (cùng một ông tổ sinh ra) và rộng hơn nữa là quan hệ làng xã, cộng đồng dân tộc (đại gia đình theo nghĩa rộng nhất) vẫn được duy trì. Sự tồn tại của tổ chức gia đình mở rộng với những qui định ràng buộc chặt chẽ theo dòng họ và bị chi phối bởi chế độ “gia trưởng”, các thành viên trong gia đình có vị thế khác nhau, rất khó để có sự bình đẳng thực sự. Thực trạng tảo hôn, bị ép kết hôn, bị gây áp lực để sinh con trai, tình trạng đa thê… diễn ra phổ biến.
Cùng với lịch sử phát triển của đất nước, nền văn hóa dân tộc Việt Nam đã chịu tác động và ảnh hưởng bởi nhiều hệ tư tưởng, văn hóa khác nhau, bên cạnh Đạo thờ Mẫu và Đạo thờ cúng tổ tiên, văn hóa và triết lý Phật giáo cũng có ảnh hưởng sâu sắc đối với người Việt. Đặc biệt, với quá trình xâm nhập và ngự trị của văn hóa Hán – Nho, xã hội Việt Nam đã hình thành nên một hệ giá trị theo tư tưởng Nho giáo, trong đó mọi người đều bị trói buộc bởi năm mối quan hệ: vua – tôi, cha – con, vợ – chồng, anh – em, bạn – bè; năm mối quan hệ này phản ánh hiện thực hai mặt của cuộc sống là quan hệ gia đình và quan hệ xã hội. Trong xã hội phong kiến, mối quan hệ gia đình được củng cố bằng chế độ tông pháp (họ tộc) và chế độ gia trưởng, còn các quan hệ xã hội thì được duy trì bởi chế độ chính trị đẳng cấp. Đi cùng với các mối quan hệ đó là những qui định giao tiếp bắt buộc mà mỗi thành viên trong xã hội phải thực hiện. Quan niệm về một gia đình có trật tự, kỷ cương lại càng trở nên chặt chẽ và khắc nghiệt hơn, trong đó quyền hành của người cha, người chồng là tuyệt đối, vị thế của người phụ nữ, người vợ rất hạn chế.
Thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến bị chèn ép theo những chế ước hết sức ngặt nghèo, một trong các đạo qui định người phụ nữ phải tuân thủ là “Đạo Tam tòng – Tứ Đức”, cách ứng xử như vậy đã nói lên sự bất bình đẳng đối với phụ nữ trong xã hội phong kiến; ngày nay hiện tượng này tồn tại không nhiều nhưng vẫn tiềm ẩn trong ý thức của các thệ hệ còn ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo. Bên cạnh đó thực hành tứ đức có mặt tích cực là giúp người phụ nữ chăm chỉ và khéo léo trong lao động (công); biết giữ gìn thân thể, vẻ đẹp vốn có (dung); biết cách ứng xử giao tiếp qua ngôn ngữ, cử chỉ “lời ăn tiếng nói” (ngôn); và giữ được tư cách, đạo đức cần có ở người phụ nữ (hạnh). Mục đích của giáo dục Công – Dung – Ngôn – Hạnh trong xã hội cũ chủ yếu nhằm trang bị cho phụ nữ những kiến thức, kỹ năng hướng tới việc thực hiện bổn phận làm vợ, làm dâu khi lấy chồng. Nếu lược bỏ đi những mặt hạn chế ở tính mục đích và phương pháp giáo dục ngặt nghèo ở chế độ cũ thì Tứ Đức vẫn còn tác dụng tốt, hướng đến việc trang bị các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống đối với người phụ nữ.
Mặt hạn chế trong nội dung giáo dục của Nho giáo nêu trên tạo ra một xã hội với những con người hoặc là bảo thủ, trì trệ, lạc hậu hoặc là nhẫn nhục, cam chịu và như vậy khó mà thi hành được sự bình đẳng trong quan hệ giữa phụ nữ và nam giới. Những quan hệ “ấm cúng” kiểu gia đình gia trưởng là tác nhân kìm hãm năng lực phát triển của con người cá nhân cả về trí tuệ và sự tham gia công việc xã hội; góp phần vào việc duy trì sự tồn tại lâu dài của kiểu gia đình truyền thống.
Bước sang thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng với sự tăng cường mở rộng, giao lưu và hội nhập quốc tế, gia đình Việt Nam đã có những bước quá độ chuyển từ gia đình truyền thống sang gia đình hiện đại với xu hướng kết hợp duy trì và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa thời đại. Quy mô gia đình trở nên gọn hơn, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình được dân chủ hơn, quan hệ giữa vợ và chồng ngày càng bình đẳng; nhận thức về tình yêu, hôn nhân có nhiều biến đổi trong những năm gần đây, tuổi kết hôn lần đầu của thanh niên, nhất là ở phụ nữ đã được nâng cao, làm cho thiếu niên có nhiều cơ hội và thời gian học tập, tích lũy để chuẩn bị cho cuộc sống gia đình tương lai. Tỉ lệ số phụ nữ được thực hiện quyền bình đẳng về kinh tế, việc làm và được thụ hưởng thành quả lao động ngày càng cao; tự do trong tình yêu và hôn nhân được tôn trọng trên cơ sở bình đẳng giới và được pháp luật bảo vệ, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.