Biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng (Điều 33, Dự thảo Luật) là một trong những biện pháp mới được đề xuất bổ sung vào Dự thảo Luật nhằm ngăn chặn hành vi BLGĐ và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ. Dự thảo quy định như sau:
Điều 33.
1. Công việc phục vụ cộng đồng là công việc có quy mô nhỏ trực tiếp phục vụ cho lợi ích của cộng đồng nơi người có hành vi bạo lực gia đình sinh sống, bao gồm
a) Tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc các công trình công cộng khác;
b) Tham gia các công việc khác nhằm cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng;
2. Danh mục công việc quy định tại khoản 1 Điều này do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận trên cơ sở thảo luận, quyết định của cộng đồng theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình quyết định, tổ chức việc người có hành vi bạo lực gia đình quy định tại khoản 1 Điều 32 của Luật này tự nguyện thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.
Quá trình xây dựng dự án Luật và thực tiễn giám sát cho thấy, các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người có hành vi bạo lực gia đình hiệu quả chưa cao. Với quan điểm cần phải có biện pháp phù hợp để xử lý các hành vi bạo lực gia đình chưa đến mức xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn có tính răn đe, giáo dục; đồng thời, nâng cao vai trò của cộng đồng trong xử lý hành vi bạo lực gia đình. Việc bổ sung một biện pháp mang tính xã hội nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng và theo nhu cầu của cộng đồng là cần thiết, mang tính giáo dục cao.
Biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng được đánh giá là có tính khả thi bởi đây là biện pháp có tính chất răn đe cao, có tính giáo dục trên diện rộng với những hành vi bạo lực chưa tới mức độ xử phạt hành chính nhưng có tính chất lặp đi lặp lại và đã bị phê bình trong cộng đồng. Biện pháp này có phạm vi ảnh hưởng rộng rãi trong cộng đồng dân cư, dễ dàng tác động đến nhận thức của người dân nói chung và nhận thức của trẻ em. Đặc biệt, ở một số địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn như miền núi, vùng dân tộc thiểu số, khi việc áp dụng biện pháp xử phạt bằng tiền không phát huy tác dụng bởi người bị BLGĐ không dám trình báo với các tổ chức đoàn thể do lo sợ người có hành vi BLGĐ bị phạt tiền sẽ ảnh hưởng đến kinh tế gia đình thì việc đưa biện pháp lao động phục vụ cộng đồng vào Dự thảo Luật rất phù hợp. Điều này sẽ khuyến khích người bị BLGĐ trình báo với các tổ chức đoàn thể để được bảo vệ.