Năm 2022 vừa qua, sau đại dịch Covid chúng ta đã tiếp nhận rất nhiều thông tin về những vụ tự tử đau lòng, chưa rõ nguyên nhân, trong đó có cả những em nhỏ còn đang ngồi trên ghế nhà trường gây rúng động mạng xã hội. Từ lúc bi kịch của một vài gia đình xảy ra thì xuất hiện vô số những cha mẹ trẻ nhưng luôn tỏ ra mình rất giỏi định hướng cuộc đời con cái mình sau này. Họ đem bi kịch của gia đình người khác để so sánh với sự giáo dục trong hiện tại và tương lai của con cái mình, sẵn sàng trỉ trích cha mẹ khác và cả một đứa trẻ nghĩ quẩn trong một phút giây. Những ý kiến này, đôi khi vô tình sát muối vào nỗi đau vô cùng tận của những bậc cha mẹ vừa mới mất đi đứa con thân yêu của mình.
Nhiều cha mẹ lên facebook tự tin về cách giáo dục của mình, sau này họ sẽ thế này, thế nọ, không để con của mình gặp áp lực học hành, cũng như không hành xử bất cứ điều gì để con mình phải nghĩ quẩn. Nhưng, mọi điều chúng ta nghĩ nó có dễ dàng như vậy không? Câu trả lời là không. Ngay cả khi phụ huynh không gây áp lực cho con mình thì cũng có vô số những áp lực khác mà mỗi thế hệ, mỗi xã hội sẽ tự sản sinh ra những kiểu áp lực khác nhau. Hàng ngày xung quanh chúng ta vẫn có vô số những người nhìn tươi cười nhưng bên trong luôn bộn bề những áp lực và trầm cảm. Mỗi năm Việt Nam, theo một thống kê có đến 40.000 người tự tử vì trầm cảm. Khoảng 20% trong 40.000 người tự tử thành công. Như vậy, ngay cả bất kỳ ai vẫn luôn tươi cười trên Facebook một lúc nào đó có thể là nạn nhân của một áp lực nào đó. Mỗi gia đình đều có một vấn đề riêng, đều có một mối lo ngại trong hiện tại hoặc xảy đến trong tương lai.
Chúng ta không sống trong cuộc đời của bất kỳ ai khác mình được, nên nội tâm con người là thứ khó hiểu và khó đoán nhất. Trong câu chuyện bi kịch giữa con cái và bố mẹ trong gia đình kia sẽ không ai có đủ ngôn từ để lý giải ra được những nguyên nhân hay lỗi phải cho sự ra đi một cách đáng tiếc đó. Cũng như không có ai có thể tự tin về cuộc sống tương lai của gia đình mình dựa trên bi kịch của một gia đình khác. Câu chuyện đó là của riêng mỗi gia đình, nhưng lúc nào đó sẽ là bi kịch của rất nhiều gia đình khác nếu như giáo dục và xã hội không có những điều chỉnh tích cực, khiến cho con người cảm thấy tĩnh tâm và thấy cần phải sống ở trên đời!