Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, trẻ em luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, gia đình và toàn xã hội. Hệ thống pháp luật của Việt Nam về bảo vệ, chăm sóc trẻ em ngày càng được hoàn thiện tạo cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ trẻ em trên thực tế. Điều 37 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, Luật Trẻ em đã quy định về 26 nhóm quyền của trẻ em cũng như khẳng định rõ ràng về trách nhiệm của tất cả các cơ quan trong việc bảo đảm và bảo vệ các quyền trẻ em đã được pháp luật quy định.
Gia đình vốn được xem là môi trường an toàn với trẻ em, nhưng đa phần các vụ việc xâm hại trẻ em đến từ người thân. Tình trạng này đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gióng hồi chuông báo động tới các cơ quan chức năng.
Thống kê từ Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, giai đoạn từ ngày 1-1-2015 đến ngày 30-6-2019 cả nước có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, có 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục; 857 trẻ bị bạo lực; 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt; 1.314 trẻ bị xâm hại bằng các hình thức khác. Trong các vụ xâm hại này thì phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc dư luận nhất là xâm hại tình dục, chiếm 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Nhiều địa phương, số vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm trên 90% như: Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Nai…
Số trẻ em lao động trái pháp luật lên tới 790.518 trường hợp, 156.932 trẻ bị bỏ rơi, bỏ mặc và gần 13.500 trẻ 15 tuổi tảo hôn. Qua khảo sát tại địa phương cho thấy, hầu hết trẻ em phải tham gia lao động sớm đều có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn; mục đích tham gia lao động để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình, được gia đình đồng thuận; chính quyền địa phương gặp khó khăn trong việc đưa các em trở về nhà…
Đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, có trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau, nhiều đối tượng có mối quan hệ với trẻ. Qua giám sát tại một số địa phương cho thấy, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ có xu hướng gia tăng, chiếm trên dưới 90%.
Kết quả giám sát của Quốc hội công bố mới đây cho thấy gia đình vốn được xem là môi trường an toàn nhất với trẻ em, song vừa qua xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em ngay tại gia đình. Nhiều địa phương, trẻ em bị xâm hại bởi chính người ruột thịt, người thân thích chiếm tỷ lệ cao như: Hà Tĩnh 67,6%, Hà Nội 51,9%, Bà Rịa Vũng Tàu 33%… Theo thống kê của Tổng đài 111 (trong tổng số các cuộc gọi đến), số vụ bạo lực trẻ em do người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 65,88%.
Không chỉ phải đối mặt với vấn nạn xâm hại, bạo lực ngoài đời thường, trẻ em thời nay còn gặp nhiều rủi ro, thách thức với những tệ nạn trên mạng xã hội. Trong bối cảnh thế giới và Việt Nam đang bước vào thời đại chuyển đổi số rộng khắp, trẻ em đã trở thành công dân số từ rất sớm, sống trên môi trường mạng nhiều giờ/ngày, thay đổi hoàn toàn cách các em học tập, kết bạn, giao tiếp so với thế hệ trước. Trong báo cáo mới đây của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hiện nay nhiều học sinh học tập, giao lưu nhiều hơn trên môi trường mạng. Việc dành nhiều thời gian hơn trên các nền tảng ảo có thể khiến trẻ dễ bị bóc lột tình dục, dụ dỗ và lừa gạt, tiếp xúc với những nội dung độc hại, bạo lực… Đoàn giám sát của Quốc hội nhận định: Mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, internet, mạng xã hội; việc di dân tự do; sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức xã hội trong một bộ phận người dân; tình trạng lạm dụng rượu, bia, chất kích thích mạnh khác chưa được ngăn chặn hiệu quả; cùng với đó, còn số lượng lớn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có cha mẹ ly hôn, cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn với trẻ.
Bên cạnh đó, công tác giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em đã được xử lý nghiêm. Cơ quan điều tra đã khởi tố 7.119 vụ với 7.211 bị can. Tỷ lệ giải quyết án của Viện kiểm sát đạt 98,5% số vụ và 98,7% số bị can. Tòa án đã đưa ra xét xử 6.892 vụ với 7.686 bị cáo; việc áp dụng hình phạt cơ bản nghiêm minh, bảo đảm tính răn đe.
Từ thực tế, có thể thấy vai trò cốt lõi trong công tác bảo vệ trẻ em là gia đình. Gia đình ở đây là cha mẹ và người thân trong gia đình của trẻ em, cộng đồng bao gồm những cán bộ bảo vệ trẻ em tại địa phương và người đứng đầu tại cơ sở.
Hiện nay, rất nhiều bậc phụ huynh còn chưa đánh giá đúng vai trò của gia đình đối với sự phát triển của trẻ. Nhiều ông bố, bà mẹ để con thoải mái tiếp xúc với môi trường mạng, tiếp xúc với nhiều thông tin xấu độc mà không có kiểm soát. Cha mẹ còn thiếu kiến thức, kỹ năng trong chăm sóc, bảo vệ trẻ khỏi bạo lực, xâm hại tình dục, nhiều cha mẹ ngại đề cập đến những vấn đề nhạy cảm với trẻ, dẫn đến tình trạng trẻ không có được những thông tin cần thiết để tự bảo vệ bản thân khỏi những “cạm bẫy” của xã hội.
Trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) nên cần có những quy định riêng dành cho đối tượng là trẻ em, tăng cường công tác phòng, chống bạo lực cho trẻ em. Bời hiện nay, các vấn đề bạo lực trẻ em trong gia đình chưa được giải quyết đầy đủ, rõ ràng. Quy trình xử lý, quy trình phòng ngừa đối với đối tượng là trẻ em cần có sự khác biệt, ưu tiên với các nhóm đối tượng khác. Cần lưu ý vấn đề trẻ em chứng kiến bạo lực gia đình cũng là một hình thức bạo lực, cơ quan soạn thảo cần chú ý để đưa vào quy định của Luật (sửa đổi). Vấn đề phụ nữ mang theo con của mình khi thoát khỏi bạo lực, người bị bạo lực được trao quyền giám hộ tạm thời với trẻ em và quyền hạn chế thăm trẻ em của người gây bạo lực đây cũng là một vấn đề cần lưu tâm khi quy định trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.