Gia đình được coi là tế bào cơ bản của xã hội và nó có những chức năng tương ứng để duy trì sự tồn tại của xã hội, đồng thời gia đình cũng có những chức năng cơ bản đối với các thành viên trong gia đình. Chăm sóc/nuôi dưỡng, bảo vệ, giáo dục, xã hội hóa con cái- trẻ em là những chức năng cơ bản của gia đình, mà người chịu trách nhiệm chính là cha mẹ.
Khi xem xét chức năng của gia đình đối với các thành viên là trẻ em, Alvy (1987) đã nhấn mạnh đến những chức năng và trách nhiệm cơ bản của cha mẹ đối với việc chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ, giáo dục và xã hội hóa trẻ em, bao gồm (1) Cung ứng các nhu cầu cơ bản của sự sống còn như cung cấp nơi ăn chốn ở, thực phẩm dinh dưỡng, quần áo, khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế về thể chất và tâm thần; (2) Bảo vệ trẻ về mặt thể chất, tâm lý, tinh thần khỏi các tác động xấu từ môi trường bên ngoài. Chức năng này bao gồm hai tiểu chức năng là giám sát hành vi của trẻ, đặc biệt để phòng tránh cho trẻ khỏi các hành vi có tính rủi ro cao như sử dụng thuốc lá, bia rượu, quan hệ tình dục không an toàn; và cung cấp, trang bị cho trẻ những kỹ năng sống cần thiết để tự bảo vệ bản thân (3) Hướng dẫn và hỗ trợ phát triển về mặt nhận thức, kiến thức xã hội, thể chất, tình cảm, đạo đức, tình dục, văn hóa… (4) Chức năng vận động nhìn nhận cha mẹ với tư cách là người hỗ trợ và liên kết trẻ với các chuyên gia, cá nhân, nhóm, tổ chức khác có chức năng chăm sóc và bảo vệ trẻ em như trường học, bệnh viện, nhà thờ… (Dẫn theo Đặng Bích Thủy, 2012).
Các chức năng về bảo vệ trẻ em và xã hội hóa trẻ em đặt ra các trách nhiệm của gia đình trong việc cung cấp các kiến thức và kỹ năng cho trẻ em để phòng ngừa những rủi ro trong môi trường sống và tự bảo vệ bản thân trước các hành vi nguy cơ. Để thực hiện những chức năng này trong phòng, chống XHTD trẻ em, đòi hỏi cha mẹ và người chịu trách nhiệm nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ em phải có kiến thức và sự hiểu biết về các nguy cơ XHTD trẻ em, phải hướng dẫn cho trẻ về cơ thể, về các rủi ro liên quan đến XHTD, và các kỹ năng để trẻ tự bảo vệ mình. Thậm chí, cha mẹ cũng cần phải có kiến thức và kỹ năng để nhận biết các dấu hiệu, các biểu hiện cho thấy trẻ đã bị XHTD, đồng thời, gia đình/cha mẹ là nhân tố quan trọng chính trong việc phát hiện các dấu hiệu trẻ em bị XHTD và báo cáo vụ việc với chính quyền, các cơ quan có chức năng bảo vệ trẻ em. Hassan et al. (2015) cho rằng, gia đình, mà cụ thể là cha mẹ/những người chịu trách nhiệm nuôi dưỡng trẻ đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ và bảo vệ trẻ em khỏi XHTD. Việc phản ứng không phù hợp hoặc không kịp thời đối với các biểu hiện trẻ bị XHTD có thể làm chậm việc báo cáo vụ việc bị xâm hại của trẻ em, hoặc khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi về mặt pháp lý của trẻ.
Nhiều nghiên cứu về gia đình Việt Nam đã nhấn mạnh đến chức năng xã hội hóa trẻ em như một chức năng cơ bản của gia đình, trong đó, việc cung cấp các kiến thức và các kỹ năng cho trẻ em để bảo vệ bản thân khỏi các rủi ro và hành vi nguy cơ được đề cập đến như là những vấn đề xã hội quan trọng trong bối cảnh biến đổi của gia đình Việt Nam những năm gần đây (Xem Lê Ngọc Văn, 2011; Nguyễn Hữu Minh, 2006; Đặng Bích Thủy 2012, 2016). Trẻ em sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro về XHTD nếu như không được cha mẹ hướng dẫn đầy đủ về các nguy cơ và các kỹ năng tự bảo vệ mình.
(TS. Đặng Bích Thủy- Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới- Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)