Bạo lực gia đình có mối quan hệ mật thiết với áp lực kinh tế, tình trạng đói nghèo, bất bình đẳng trong việc phân phối nguồn lực xã hội.
Nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình chủ yếu là do lạm dụng rượu, bia; cờ bạc, nghiện ma túy; thiếu hiểu biết pháp luật… Với đàn ông là người dân tộc, nhiều người có các hành vi bạo lực xuất phát từ thói quen uống rượu hàng ngày; khi rượu vào không kiềm chế được bản thân, dẫn đến cáu giận vô lối. Bên cạnh đó, nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa vẫn chịu ảnh hưởng của tệ nạn hút thuốc phiện, dẫn đến gia cảnh nghèo khó, con cái nheo nhóc… Sau những cơn bực tức, người chồng nghiện ngập, ít học hành lại quay sang “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ con.
Một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ tương đối thấp ở một số cộng đồng hoặc nhóm xã hội nhiều khi là do sự cam chịu, sự áp bức, bất bình đẳng một cách có hệ thống của người phụ nữ trong gia đình. Nhiều yếu tố về văn hóa, kinh tế xã hội cũng góp phần duy trì tệ nạn này. Các nghiên cứu cũng lập luận: lý do sâu xa của bạo lực gia đình là thái độ đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân về vai trò, trách nhiệm được quy định về văn hóa, xã hội mà nhiều khi lại được ngộ nhận là xuất phát từ sự khác biệt sinh học giữa nam và nữ. Những người phụ nữ tin rằng đàn ông đánh đập vợ là hợp lý vì ít nhất một lý do sau đây: không chăm lo cho con cái, tranh luận với chồng, từ chối không quan hệ tình dục, nói chuyện với những người đàn ông khác.
Trong khuôn mẫu văn hóa tộc người, nhiều hành vi bạo lực gia đình được chấp nhận và tuân thủ như là các tập quán văn hóa truyền thống. Những chuẩn mực văn hóa khiến cho người phụ nữ dân tộc thiểu số phải gồng mình chịu đựng gánh nặng công việc gia đình kể cả trong lao động sản xuất và làm việc nhà. Do đó, người phụ nữ dân tộc thiểu số dường như không có thời gian để nghỉ ngơi, chăm sóc cho bản thân và giao tiếp hòa nhập xã hội. Trong khi đó, phụ nữ dân tộc thiểu số lại còn phải gánh chịu thêm rất nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra, đặc biệt là các hành vi bạo lực thể chất.
Tại Việt Nam, pháp luật và các chính sách bảo vệ phụ nữ khá nhiều, phủ rộng nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, không có pháp luật, chính sách, biện pháp đặc biệt dành riêng cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số. Trong khi đây là những đối tượng có những đặc thù riêng; dễ bị tổn thương và chịu nhiều thiệt thòi trong tiếp cận chính sách. Đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực gia đình tại các vùng dân tộc thiểu số ngày càng gia tăng và nghiêm trọng.