Mặc dù ở nước ta Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã có hiệu lực từ tháng 7-2008 nhưng hiện tượng bạo lực vẫn chưa thuyên giảm.
Số liệu khảo sát điều tra xã hội học cho biết: Bạo lực gia đình ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ chiếm 91,0%, gây tổn hại về sức khỏe, thể chất: 87,5%, gây tổn thương về tâm lý, tinh thần: 89,4%, gây tan vỡ gia đình: 89,7% và làm rối loạn trật tự, an toàn xã hội: 89%.
Nguyên nhân của bạo lực gia đình do các tệ nạn xã hội mà người chồng hoặc vợ mắc phải, như nghiện rượu, sa vào cờ bạc, con cái vi phạm pháp luật. Ðây là nhóm nguyên nhân được nhiều người đồng thuận nhất, bởi ai cũng dễ thấy tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình thì thường dẫn đến vợ chồng lục đục, kinh tế khó khăn, suy sụp, mâu thuẫn vợ chồng gay gắt và khi đó, bạo hành đối với vợ con là điều khó tránh khỏi.
Ðiều đáng quan tâm là một số nạn nhân của bạo lực gia đình có tâm lý cam chịu, không muốn tố cáo. Nhiều vụ bạo lực gia đình gây hậu quả nghiêm trọng nhưng hình phạt dường như còn quá nhẹ. Vì vậy tính phòng ngừa răn đe còn hạn chế.
Phòng, chống bạo lực gia đình phải được kết hợp đồng bộ với nhiều giải pháp, song lấy phòng ngừa là chính; cần chú trọng trước hết là công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình và làm tốt công tác tư vấn hòa giải và đi đôi với phòng, chống tệ nạn xã hội.
Làm tốt công tác tuyên truyền sẽ giúp thay đổi nhận thức, hành vi trong ứng xử về gia đình, từ đó dần xóa bỏ bạo lực gia đình, đề cao truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam. Hoạt động truyền thông cần nêu rõ nguyên nhân bạo lực gia đình là sự bất bình đẳng giới, phân biệt địa vị, vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình.
Vụ án 6 người trong gia đình bị đốt tại thôn Xích Thổ, xã Hồng Thái, huyện An Dương (Hải Phòng) khiến cả xã hội chấn động. Sáu người gồm ông bà, cha mẹ và hai cháu gái đã bị thiêu.
Người ông và một cháu gái đã tử vong, một cháu khác bị bỏng tới 80%, khó qua cơn nguy hiểm. Có 3 người bị bỏng nhẹ hơn là người bà và bố mẹ hai em. Họ sẽ phải sống trong nỗi đau đớn giày vò, hối hận suốt đời.
Lúc đầu, người nhà bên ngoại cho rằng chính người ông vì ghét các cháu gái đã châm mồi lửa, nhưng kết luận mới nhất của cơ quan điều tra cho biết, chính người con trai, vì giận cha thường xuyên bạo lực với vợ mình, đã tưới xăng đốt cả gia đình.
Nguyên nhân chính vẫn là sự bế tắc khi bạo lực gia đình không được giải quyết. Nhiều người nhà cho biết, ông Hậu – tên người ông đã mất từng nhiều lần đánh đập, chửi rủa con dâu vì tội “sinh hai vịt giời”.
Thậm chí, ông ta đã dùng dao kề vào cổ con dâu dọa giết, dìm đầu con dâu xuống ao. Tuy mọi người biết, nhưng không ai ngờ đến hậu quả như vậy nên cũng chỉ can thiệp cho có.
Thậm chí, cách đây 3 năm, người con dâu đã xin ly hôn vì mâu thuẫn gia đình, vì không chịu nổi cảnh bạo lực, nhưng tổ hòa giải xã đã “hòa giải thành công”, chị lại quay về chịu sống trong cảnh bị đánh đập.
Và trước khi người con trai tưới xăng đốt cả nhà, theo lời kể của anh ta, ông Hậu đã bóp cổ con dâu. Ngọn lửa tội ác đó đã bùng cháy từ trong nỗi hận thù, giận dữ từ tâm can của anh ta.
Hầu hết, các thành viên trong các gia đình có bạo lực sẽ có hành vi bắt chước nhau, con trai có bố bạo lực, thường xuyên bị đánh chửi, hoặc chứng kiến hành vi đánh chửi của bố với mẹ và vợ mình thì sẽ rất nễ nảy sinh bạo lực nếu không được giúp đỡ.
Nghiên cứu ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam do Cơ quan liên hiệp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) thực hiện đã tiến hành điều tra trên gần 1.100 phụ nữ (50% sống ở nông thôn, 50% ở thành thị).
Có đến 64% trong số họ cho biết đã từng chịu bạo lực gia đình (cao hơn cả Điều tra bạo lực quốc gia). Đáng lo ngại là các hành vi bạo lực nghiêm trọng bị lặp lại nhiều lần.
Trong số 39% phụ nữ cho biết từng chịu bạo lực gia đình có đến 76% thường bị đe doạ nguy hiểm, 79% thường bị đá, kéo lê, đánh đập nhiều lần, 75% nhiều lần bị chồng ép quan hệ tình dục, 86% thường bị xúc phạm.
Bạo lực gia đình để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng tới xã hội và gia đình. Do đó, việc xóa bỏ bạo lực gia đình không phải là trách nhiệm của riêng ai mà đòi hỏi có sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và các quốc gia trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Văn Nhâm (nguồn: hoinongdan.org.vn)