Những năm qua, Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp trên địa bàn tỉnh đã tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, lấy phòng ngừa là chính.
Anh Lê Văn H, ở ấp Bình Lợi, xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, người vừa chấp hành xong án phạt về hành vi bạo lực gia đình trải lòng: “Thời gian chấp hành án phạt đã làm cho tôi tĩnh tâm và cảm thấy mình có lỗi quá nhiều với vợ con trong một thời gian dài, mặc dù đã được chính quyền nhiều lần can ngăn, tư vấn, xử lý hành chính. Bây giờ được trở về với mái ấm gia đình, tôi rất vui, hạnh phúc và hứa với vợ con sẽ chí thú làm ăn, không còn rượu chè bê tha như trước nữa, cố gắng lấy lại niềm tin và sự tôn trọng của vợ, con đối với mình”.
Những trường hợp tu chí làm ăn, giữ gìn mái ấm gia đình sau những biến cố như anh H có lẽ không ít. Kết quả này phải nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền của địa phương.
Ông Phan Văn Thật – Phó Chủ tịch UBND xã Long Bình, tâm sự: “Nghèo khó cũng là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến bạo lực gia đình. Những năm qua, chính quyền xã luôn quan tâm đến công tác xóa đói giảm nghèo, nhằm từng bước cải thiện đời sống kinh tế người dân, thông qua việc hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm, hỗ trợ cây – con giống…”.
Hiện nay, các địa phương đã rất cố gắng chú trọng công tác tư vấn, giáo dục về gia đình; hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục và tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật các hành vi vi phạm về phòng, chống bạo lực gia đình; bảo vệ, giúp đỡ kịp thời nạn nhân bị bạo lực gia đình. Tất cả đã góp phần củng cố và xây dựng gia đình trên địa bàn tỉnh ngày càng no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
Chia sẻ cách làm của thị xã Long Mỹ, bà Hứa Thị Kim Dung – Trưởng phòng Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Long Mỹ, cho biết: “Để hạn chế đến mức thấp nhất vấn nạn bạo lực gia đình, chúng tôi đã chỉ đạo thành lập và nhân rộng các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và nhóm phòng, chống bạo lực gia đình ở các ấp trên địa bàn để tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả và kỹ năng phòng tránh bạo lực gia đình; cũng như kịp thời can thiệp và dập tắt những bất đồng trong gia đình trước khi bùng phát thành bạo lực”.
Với phương châm “Phòng ngừa là chính”, Hậu Giang luôn quan tâm tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và phân tích các nguyên nhân dễ dẫn đến bạo lực gia đình ở từng địa bàn dân cư để có những giải pháp mang tính căn cơ và thấu tình đạt lý nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số vụ bạo lực gia đình xảy ra; đồng thời cũng thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và động viên, giáo dục, hỗ trợ những trường hợp “một lần lầm lỡ” hàn gắn tình cảm, tiếp tục xây dựng gia đình hướng đến hạnh phúc.
Trong năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 11 vụ bạo lực gia đình, giảm 31 vụ so với năm 2017. Để giảm được gần 2/3 số vụ bạo lực như vậy là thành quả rất đáng khen ngợi.
“Hậu Giang còn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền thông qua hình thức tập huấn; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và phương tiện cổ động trực quan; lồng ghép trong việc giảng dạy và học tập tại các cơ sở giáo dục; thông qua các hoạt động văn học, nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng và các loại hình văn hóa quần chúng khác. Từ đó, nâng cao nhận thức về truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam trong các tầng lớp nhân dân, tiến tới xóa bỏ bạo lực gia đình. Song song đó, biện pháp tư vấn về gia đình cho người có hành vi bạo lực gia đình; nạn nhân bạo lực gia đình; người nghiện rượu, ma túy, đánh bạc; người chuẩn bị kết hôn và biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư đối với người có hành vi bạo lực gia đình cũng được quan tâm đúng mức”, bà Nguyễn Thị Lý – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang, chia sẻ.
Bên cạnh sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan, đơn vị, nòng cốt là ngành văn hóa; còn có sự đóng góp rất lớn của các điển hình, mô hình tiêu biểu trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Đến cuối tháng 5-2019, toàn tỉnh có 234 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 89 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 214 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng được thành lập và hoạt động thường xuyên.
Thực hiện tốt công tác phòng, chống bạo lực gia đình đã góp phần xây dựng mỗi gia đình thật sự trở thành tổ ấm của mỗi người, là một tế bào lành mạnh của xã hội và chính vì lẽ đó sẽ tác động rất lớn đến sự thành công của việc xây dựng gia đình Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước theo tinh thần Chỉ thị số 49 (2005) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX; lập thành tích chào mừng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6-2019) và Ngày Gia đình Việt Nam (28-6)…
theo haugiang.gov.vn