Việt Nam đã tham gia các cam kết quốc tế trong nhiều lĩnh vực, trong đó có quyền con người, vấn đề bạo lực gia đình. Đáng chú ý là Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và các khuyến nghị của Ủy ban các Công ước Nhân quyền. Công ước CEDAW có hiệu lực ở Việt Nam từ ngày 19/3/1982. Ngay sau khi tham gia các cam kết quốc tế liên quan đến bạo lực gia đình, Việt Nam đã có những bước đi quan trọng để cụ thể hóa về mặt pháp lý như ban hành Luật Bình đẳng giới (2006), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, Luật Hôn nhân và Gia đình (2014).
Ở khu vực ASEAN, Việt Nam là quốc gia chủ động đưa ra nhiều sáng kiến và tham gia các tuyên bố chung liên quan đến bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực giới và bạo lực gia đình. Tương tự như nhiều quốc gia khác, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình của Việt Nam dựa trên tiếp cận đa ngành và toàn diện nhằm giải quyết bạo lực gia đình.
Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới khi giải quyết vấn đề bạo lực gia đình như: Úc khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc thì người có hành vi bạo lực gia đình là người phải ra khỏi nhà trong trường hợp người bị bạo lực gia đình lựa chọn chỗ ở là chính ngôi nhà của họ. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình của nước ta hiện nay chưa quy định rõ điều này dẫn đến quá trình thực thi luật, người phải ra khỏi nhà lại chính là người bị bạo lực gia đình. Việc áp dụng biện pháp mạnh để ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình cũng được New Zealand thực hiện. Theo đó, quốc gia này trao cho cảnh sát quyền được ban hành lệnh an toàn nếu thấy cần thiết để bảo vệ người bị bạo lực gia đình. Trong trường hợp vì sự an toàn cho người bị bạo lực gia đình, cảnh sát có thể ban hành lệnh an toàn mà không cần sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình. Mặt khác, cảnh sát New Zealand có thể tạm giữ người có hành vi bạo lực gia đình không quá 2 giờ để phục vụ xác minh, điều tra sự việc nếu người có hành vi bạo lực không tuân thủ thì có thể bị cảnh sát bắt mà không cần đến quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Tương tự như vậy, tại Hàn Quốc, sau khi cơ quan có thẩm quyền nhận được tin báo, tố giác về hành vi bạo lực, cán bộ điều tra sẽ được cử ngay lập tức đến hiện trường vụ việc bạo lực gia đình. Trong quá trình điều tra, xác minh vụ việc cán bộ điều tra có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cần thiết, bao gồm tách người bị bạo lực gia đình, người cung cấp tin báo, tố giác, nhân chứng, v.v. khỏi đối tượng có hành vi bạo lực vì mục đích điều tra để họ có thể thoải mái cung cấp lời khai. Luật của Hàn Quốc cũng quy định không ai được phép từ chối hợp tác với cán bộ điều tra được phái cử đến hiện trường vụ bạo lực gia đình hoặc can thiệp vào các hoạt động của cán bộ điều tra này mà không có lý do chính đáng. Tại Anh, cảnh sát cấp cao đưa ra thông báo cảnh cáo người có hành vi bạo lực gia đình để làm cơ sở cho xử lý nếu tái phạm hành vi bạo lực. Theo đó, người có hành vi bạo lực gia đình sau khi đã nhận được thông báo của cảnh sát nếu tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình thì sẽ bị bắt giữ mà không cần có lệnh bắt. Tại Malaysia, nhân viên phúc lợi xã hội ban hành lệnh bảo vệ khẩn cấp sẽ gửi một bản sao của lệnh cho sĩ quan cảnh sát quận, huyện nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú hoặc bất kỳ cảnh sát nào khác dưới quyền chỉ huy của người đó. Cảnh sát có trách nhiệm thi hành ngay quyết định này.
Tại Thụy Điển, Chính phủ coi bạo lực gia đình là trở ngại cấp bách nhất đối với bình đẳng giới. Việc đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình được coi là một trong những giải pháp thực hiện bình đẳng giới. Thụy Điển đã phát triển mạng lưới hỗ trợ người bị bạo lực gia đình thông qua địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, thực hiện giáo dục người có hành vi bạo lực gia đình hay sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng, hoạt động thể thao để tuyên truyền vận động cho phòng, chống bạo lực gia đình.
Từ các nội dung nêu trên, việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2007) là rất cần thiết, nhằm hiện thực hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý, đồng thời tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia trong đó có phòng, chống bạo lực gia đình.