Bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa
Triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, phê duyệt tại Quyết định số 2351/QĐ- TTg ngày 24/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động đưa nội dung bình đẳng giới trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đồng thời trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản chỉ đạo có lồng ghép nội dung bình đẳng giới. Công tác tuyên truyền, phổ biến có lồng ghép nội dung bình đẳng giới cũng được quan tâm triển khai thực hiện trong các hội nghị, tập huấn phổ biến văn bản pháp luật về quản lý lễ hội, xây dựng gia đình văn hóa, làng, thôn, bản, tổ dân số văn hóa; xây dựng hương ước, quy ước…
Các nội dung về bình đẳng giới được chú trọng quan tâm lồng ghép trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, cụ thể hóa trong các tiêu chí, tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa (Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình Văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”) như: Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ; tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; ông, bà, cha, mẹ và các thành viên trong gia đình được quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng; hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, bình đẳng, hòa thuận, thủy chung; thực hiện tốt chính sách dân số; thực hiện bình đẳng giới; các thành viên trong gia đình được quan tâm, chăm sóc cả về vật chất, tinh thần, cùng tham gia bảo hiểm y tế, được chăm sóc sức khỏe … và nhiều quy định liên quan khác. Từ đó,vai trò và vị thế của người phụ nữ tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội ngày càng được phát huy. Nhiều phụ nữ đã trở thành tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa hòa thuận, đầm ấm, hạnh phúc…, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào công tác quản lý, chính quyền đảm bảo cơ cấu cân bằng với nam giới; phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các công việc quan trọng của gia đình, dòng họ, thôn, làng, ấp,bản,…
Thực hiện Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, Bộ đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng, sửa đổi hương ước, quy ước trong đó có các nội dung: phòng, chống bạo lực gia đình; đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính khi sinh, có ứng xử phù hợp, tiến bộ, không phân biệt đối với các gia đình sinh con gái hoặc sinh con một bề là gái; không phân biệt đối xử giữa nam, nữ trong việc tham gia vào lĩnh vực học tập, lao động, sinh hoạt văn hóa tại cộng đồng. Nội dung các quy ước, hương ước đã bám sát đời sống và tình hình thực tế của từng địa phương nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng, những lĩnh vực pháp luật chưa điều chỉnh hoặc chỉ quy định nguyên tắc nhằm xây dựng nếp sống văn hóa mới, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng, giữ gìn an ninh trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, thực hiện chính sách dân số, gia đình và trẻ em. Nhiều hương ước, quy ước đã thể hiện được trí tuệ, công sức tập thể cộng đồng, đã khơi dậy, phát huy được những phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của làng, xóm, dòng, họ; bố cục ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, phù hợp với cộng đồng dân cư. Cùng với việc xây dựng hương ước, quy ước, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan được bãi bỏ góp phần trọng vào xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng dân cư.
Sau khi xây dựng hương ước, quy ước, các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên loa truyền thanh, phổ biến đến từng hộ gia đình. Việc thực hiện tốt các hương ước, quy ước tại cộng đồng đã góp phần tích cực vào kết quả thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, còn một số nơi nhận thức của cán bộ và người dân về vấn đề bình đẳng giới còn chưa đồng đều, coi nhẹ công tác bình đẳng giới; việc lựa chọn, mong muốn sinh con trai, phân chia tài sản, tạo điều kiện cho con cái học hành, lao động và công tác vẫn được coi là việc riêng của các gia đình, không cần phải đưa vào quy ước, hương ước, sinh hoạt cộng đồng; dẫn tới thực hiện chưa được nghiêm túc.
Bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực thể thao, văn hóa nghệ thuật
Lĩnh vực thể thao, văn hóa nghệ thuật có nhiều loại hình nghề nghiệp đặc thù, giới hạn về tuổi tác, sức khỏe… yêu cầu phải có chế độ chính sách phù hợp. Tuy nhiên, việc tuyển chọn, đào tạo, khen thưởng và các chế độ chính sách cho vận động viên, huấn luyện viên phải thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, không phân biệt giới tính, vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn đảm bảo sự bình đẳng giữa nam và nữ ngay từ quá trình tuyển chọn và tập luyện, thi đấu … Trong thời gian qua, việc tham dự các kỳ thi đấu quốc gia và quốc tế của các vận động viên, huấn luyện viên nữ chiếm 1/3 tổng số thành viên của các đoàn thể thao (tỷ lệ này còn phụ thuộc vào quy định và đặc thù các giải đấu). Bên cạnh đó, Bộ đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ký kết chương trình phối hợp “Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch giai đoạn 2018 – 2022” với mục tiêu nâng cao sức khỏe và đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao tại cộng đồng.