Trong suốt 6 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020, các cơ quan trung ương đã kịp thời tổ chức quán triệt, phổ biến các nội dung Chương trình tới đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Những mục tiêu, nội dung chính của Chương trình được phổ biến cụ thể, sâu sắc, tạo sức lan tỏa mạnh, góp phần củng cố, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong PCBLGĐ.
Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ động phối hợp với các cơ cơ quan chức năng như: Bộ VHTTDL, Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng Cộng sản Hồ Chí Minh,… tăng cường tuyên truyền trên báo, tạp chí, bản tin của Ban, nhất là trong Tháng hành động quốc gia PCBLGĐ; Thông tin trên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, trang Thông tin Đối ngoại điện tử, Bản tin sinh hoạt Chi bộ của Ban. Không chỉ tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ban Tuyên giáo Trung ương còn chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền miệng về Chương trình, đồng thời mời các báo cáo viên là chuyên gia, giảng viên có chuyên môn cung cấp phân tích sâu sắc, khoa học các mục tiêu, giải pháp thực hiện Chương trình, qua đó giúp đội ngũ Báo cáo viên Trung ương có kiến thức, kỹ năng để tham gia làm tốt công tác tuyên truyền miệng, góp phần đưa chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCBLGĐ đến với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Bộ Tư pháp tổ chức biên soạn, phát hành và đăng trên Cổng thông thông tin điện tử của Bộ, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Báo Pháp luật Việt Nam, các phương tiện thông tin đại chúng các bài viết, chuyên mục phổ biến giáo dục về PCBLGĐ, trách nhiệm bảo vệ, phòng, chống và xử lý tội phạm BLGĐ. Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tổ chức hoạt động Tháng hành động quốc gia về PCBLGĐ và Tháng hành động vì bình đẳng giới với những khẩu hiệu cụ thể như: “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”, “Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là vi phạm pháp luật”; Bộ Tư pháp tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trong đó có pháp luật về hôn nhân và gia đình, PCBLGĐ như Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc năm 2016 nội dung pháp luật về PCBLGĐ, cuộc thi “Pháp luật học đường” tìm hiểu kiến thức pháp luật trong trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp năm 2019.
Bộ Công thương đã phối hợp với Công đoàn Công thương Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tổ chức các lớp tập huấn, các cuộc hội thảo chuyên đề cho trên 100.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người làm công tác tư vấn liên quan đến PCBLGĐ. Một số đơn vị xây dựng thư viện, tủ sách pháp luật như Vụ Pháp chế, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trường Đại học Điện lực, Đại học Công nghiệp Hà Nội,… người lao động và sinh viên được tiếp cận thư viện để tìm hiểu và được tư vấn về pháp luật và chế độ chính sách.
Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tổ chức các hoạt động văn hóa-thể thao, các buổi nói chuyện chuyên đề, tập huấn kỹ năng tự kiểm soát bản thân với nhóm đối tượng có nguy cơ cao gây bạo lực; kỹ năng phòng, tránh bạo lực đối với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương do bạo lực trên cơ sở giới thu hút đông đảo nữ cán bộ, công chức, viên chức, lao động tham gia.
Các cơ quan thông tin, truyền thông quốc gia cũng đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền về PCBLGĐ như: Báo Nhân dân đã tăng cường dung lượng, thời lượng, tần suất cũng như chất lượng của các tin, bài, phóng sự, chuyên đề tuyên truyền chính sách, pháp luật về PCBLGĐ, lên án các hành vi vi phạm pháp luật về PCBLGĐ, đồng thời biểu dương, tuyên dương các tập thể, cá nhân có sáng kiến, đóng góp tích cực trong công tác PCBLGĐ; Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện công tác tuyên truyền về PCBLGĐ trên tất cả các kênh, đã lồng ghép tuyên truyền về PCBLGĐ uyển chuyển trong các chương trình giải trí thu hút được đông đảo người quan tâm; các bản tin thời sự hằng ngày cũng như các chương trình, chuyên mục chuyên sâu cũng được lồng ghép tạo được hiệu ứng tích cực, đặc biệt là các bộ phim truyền hình trong thời gian gần đây.
Từ cấp tỉnh đến cơ sở cũng đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng thông qua các bản tin và bài viết phát trên hệ thống truyền thanh tại xã, phường; tuyên truyền trực quan trên các tấm pano, băng rôn, khẩu hiệu; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), Ngày Quốc tế về xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái (25/11),… Các Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, thành phố đã phối hợp với Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, Hội Nhà báo tỉnh làm tốt công tác định hướng tuyên truyền trong các Hội nghị giao ban báo chí định kỳ.
Công an các đơn vị, địa phương cũng tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn, tuyên truyền với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú như: Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động và tập huấn cho Đội phản ứng nhanh về PCBLGĐ tại Bến Tre; Hội thảo “Nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế phối hợp liên ngành về PCBLGĐ” tại Hà Nội.
Các địa phương cũng xây dựng tủ sách pháp luật về PCBLGĐ; nhân bản và biên soạn, phát hành các tài liệu nhằm truyền tải thông điệp xây dựng gia đình hạnh phúc, PCBLGĐ đến đông đảo người dân. Ngoài ra, các tỉnh/thành tổ chức các hoạt động tuyên truyền thông qua hình thức văn hóa, văn nghệ, các đội thông tin lưu động của tỉnh, huyện xây dựng các chương trình văn nghệ với nội dung đa dạng phong phú, gồm những tiểu phẩm, vở kịch về xây dựng gia đình văn hóa, PCBLGĐ,… biểu diễn trên địa bàn tỉnh thu hút đông đảo nhân dân đến xem.